Hải Dương thông qua 16 nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 6/11, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua 16 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Lê Văn Hiệu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, trong 10 tháng năm 2023 dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và những nỗ lực, cố gắng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Sản xuất công nghiệp tăng 7,6 %, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 15,2%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.765 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán năm; tổng thu nội địa đạt 11.042 tỷ, đạt 96,9% dự toán. Đã thu hút 7.929 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước (tăng gấp 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2022); thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 392,5 triệu USD (tăng 18,8%).
Văn hóa - xã hội có những chuyển biến rõ nét, nhất là chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt một số hoạt động văn hóa lớn như Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, Festival Chí Linh, được nhân dân và du khách thập phương đón nhận.
Tuy nhiên, theo ông Hiệu, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Việc lập, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 có chất lượng, hiệu quả chưa cao, còn phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án, công trình chưa thể triển khai do thực hiện các quy trình, thủ tục thiếu đồng bộ. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp, toàn tỉnh mới đạt xấp xỉ 40% kế hoạch.
Việc thực hiện chính sách về nhà ở cho người có công theo từng giai đoạn còn kéo dài, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng học thiếu ở các cấp học chưa kịp thời, chưa thể chế hóa chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp theo Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.
Để có căn cứ, cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, việc tổ chức kỳ họp chuyên đề lần này tiếp tục là một hoạt động nghị trường quan trọng để đồng hành cùng UBND tỉnh, tháo gỡ khó khăn, góp phần giải quyết các công việc cấp bách phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương ghi nhận các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ với các nội dung trình tại kỳ họp và thống nhất cao thông qua 16 nghị quyết.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị chính quyền các cấp lưu ý tập trung thực hiện tốt 7 nội dung. Đó là khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, khối lượng công việc còn lại theo từng mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Quan tâm đầu tư và đẩy mạnh thu hút xã hội hóa đầu tư vào văn hóa, y tế, giáo dục, nông nghiệp, môi trường, nhà ở xã hội... Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số chính sách của địa phương như cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Trước mắt cần bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất đối với Trường Đại học Hải Dương ngay trong năm 2024 và năm 2025, Trường Cao đẳng nghề Hải Dương. Xây dựng chính sách tổng thể về chế độ ưu đãi, thu hút trong lĩnh vực giáo dục và y tế; hỗ trợ, thu hút các cán bộ, giảng viên, chuyên gia có trình độ cao về giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Đề xuất giải pháp hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; tăng chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ công tác khi sắp xếp các đơn vị hành chính; chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập và sinh sống trên địa bàn. Nghiên cứu điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đề nghị xem xét, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 29/10/2021 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, có giải pháp thực hiện bảo đảm ngân sách tỉnh là chủ đạo, đáp ứng yêu cầu đầu tư cho cả 3 cấp ngân sách. Khẩn trương giải quyết những hạn chế trong đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hải Dương thông qua 16 nghị quyết. Đó là các quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án, gồm dự án khu chung cư Tạ Quang Bửu (TP Hải Dương); xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương; sửa chữa, cải tạo 3 trạm bơm lớn là Vạn Thắng (Chí Linh) và Chu Đậu, Ngọc Trì (Nam Sách). HĐND tỉnh cũng sẽ bàn việc điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án là Dự án Bảo tồn khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, xây dựng nhà lớp học, công trình phụ trợ ở Trường THPT Nam Sách và Trường THPT Tứ Kỳ.
Các nghị quyết về chính sách hỗ trợ kinh phí đối với gia đình người có công với cách mạng về nhà ở; hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 từ ngân sách địa phương.
Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương năm 2023; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, tỉnh Hải Dương; Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương và một số nội dung khác.