Hải Dương ứng dụng hiệu quả kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh lao

GeneXpert là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh lao và lao kháng thuốc, đang được tỉnh Hải Dương áp dụng hiệu quả.

Nhân viên Khoa Vi sinh Bệnh viện Phổi Hải Dương xử lý mẫu đờm của bệnh nhân thành một hỗn dịch trước khi đem đi xét nghiệm trên máy GeneXpert

Nhân viên Khoa Vi sinh Bệnh viện Phổi Hải Dương xử lý mẫu đờm của bệnh nhân thành một hỗn dịch trước khi đem đi xét nghiệm trên máy GeneXpert

Nhạy và đặc hiệu

Cùng với cả nước, Hải Dương đang triển khai chiến lược "2X" (chụp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert) trong chẩn đoán bệnh lao. Trong chiến lược trên, GeneXpert là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Phương pháp soi tươi đờm trong chẩn đoán bệnh lao vẫn được duy trì song hiệu quả kém xa so với kỹ thuật GeneXpert

Phương pháp soi tươi đờm trong chẩn đoán bệnh lao vẫn được duy trì song hiệu quả kém xa so với kỹ thuật GeneXpert

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương cho biết trước đây việc chẩn đoán lao chủ yếu dựa vào phương pháp nuôi cấy, soi tươi đờm. Phương pháp này cần khoảng 5.000-10.000 con vi khuẩn trong một vi trường và phải mất nhiều thời gian mới có thể "soi" ra kết quả. Tuy nhiên, độ đặc hiệu của phương pháp soi tươi lại không cao, khó phân biệt giữa lao người, lao bò, lao chim.

Mẫu bệnh phẩm sau khi được xử lý thành một hỗn dịch sẽ được đưa vào cartridge, quét mã QR ghi nhớ thông tin

Mẫu bệnh phẩm sau khi được xử lý thành một hỗn dịch sẽ được đưa vào cartridge, quét mã QR ghi nhớ thông tin

Với GeneXpert, độ nhạy và đặc hiệu trong chẩn đoán lao hiệu quả gấp bội. "Chỉ cần mẫu bệnh phẩm có 150 con vi khuẩn trở lên là phương pháp xét nghiệm này đã xác định chính xác kết quả, là loại lao gì và có phải lao kháng thuốc hay không. Sau 2 tiếng từ khi chạy mẫu bệnh phẩm, GeneXpert đã cho ra kết quả, trong khi với phương pháp thông thường phải mất vài ngày", bác sĩ Thu thông tin.

Thao thác cuối cùng là đưa cartridge vào máy GeneXpert và chờ đợi kết quả trong 2 tiếng

Thao thác cuối cùng là đưa cartridge vào máy GeneXpert và chờ đợi kết quả trong 2 tiếng

Ngày 18/3, bệnh nhân N. T. M. (20 tuổi, quê Kim Thành) đến khám tại Bệnh viện Phổi Hải Dương trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, sốt theo cơn, ho khan, kéo dài, đổ mồ hôi... Chị M. được lấy mẫu đờm để xét nghiệm bằng phương pháp GeneXpert. Chỉ trong buổi sáng, bác sĩ đã xác định chị mắc bệnh lao nhưng nồng độ vi khuẩn còn thấp, không phải lao kháng thuốc và đưa ra phương pháp điều trị trúng đích, hiệu quả.

4 máy GeneXpert tại Bệnh viện Phổi Hải Dương

4 máy GeneXpert tại Bệnh viện Phổi Hải Dương

Bệnh viện Phổi Hải Dương hiện có 4 máy GeneXpert, do Chương trình phòng chống lao quốc gia vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Trưởng Khoa Vi sinh Nguyễn Thị Thanh cho biết GeneXpert là một kỹ thuật tích hợp của 3 công nghệ tách gen, nhân gen và nhận biết gen nhưng quy trình thao tác rất đơn giản.

Sau khi hoàn thành quy trình chạy, GeneXpert sẽ hiển thị kết quả lên trên màn hình vi tính đã kết nối trực tiếp trước đó. Các bác sĩ dễ dàng đọc được kết quả và đưa ra phác đồ điều trị lao phù hợp cho bệnh nhân

Sau khi hoàn thành quy trình chạy, GeneXpert sẽ hiển thị kết quả lên trên màn hình vi tính đã kết nối trực tiếp trước đó. Các bác sĩ dễ dàng đọc được kết quả và đưa ra phác đồ điều trị lao phù hợp cho bệnh nhân

Sau khi mẫu bệnh phẩm được xử lý thành một loại hỗn dịch sẽ được đưa vào máy chạy tự động. Sau quy trình này, các thông tin về mẫu bệnh phẩm như dương tính hay âm tính, mức độ vi khuẩn lao thấp hay cao, là lao kháng thuốc hay không kháng thuốc... sẽ được hiển thị ngay trên màn hình máy tính kết nối với máy GeneXpert. "Chỉ cần nhìn vào đây, các bác sĩ sẽ dễ dàng đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho từng bệnh nhân", chị Thanh nói.

Cần nguồn lực để nhân rộng

Bác sĩ Thu cho biết việc ứng dụng kỹ thuật GeneXpert đã và đang được áp dụng hiệu quả trong chẩn đoán bệnh nhân lao tại bệnh viện. Hằng năm, kỹ thuật này cũng được áp dụng trong sàng lọc lao tại cộng đồng song phạm vi chưa rộng và mới chủ yếu ưu tiên cho những người suy giảm hệ miễn dịch, mắc HIV hay các bệnh mạn tính liên quan đến thận, gan, nghiện rượu...

Do chương trình hỗ trợ có hạn nên kỹ thuật GeneXpert mới chỉ áp dụng cho những người suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính mà chưa triển khai rộng rãi trong cộng đồng

Do chương trình hỗ trợ có hạn nên kỹ thuật GeneXpert mới chỉ áp dụng cho những người suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính mà chưa triển khai rộng rãi trong cộng đồng

Từ khi được Chương trình phòng chống lao quốc gia hỗ trợ, mỗi năm Hải Dương chỉ triển khai được kỹ thuật này tại 2 địa phương cấp huyện. Một số nhà quản lý y tế cho biết để đánh giá đúng tình hình và triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống lao, mỗi năm ít nhất cần triển khai kỹ thuật GeneXpert tại 6 địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có thể từ năm 2025, các nguồn tài trợ hỗ trợ kỹ thuật GeneXpert tại Việt Nam sẽ bị cắt giảm hoặc không còn. Trong khi đó, Hải Dương đang là một trong 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lưu hành bệnh lao cao nhất cả nước. Để bảo đảm kế hoạch, mục tiêu phòng chống lao hằng năm, ngoài việc duy trì các phương pháp truyền thống như X-quang phổi, soi tươi thì việc tiếp tục duy trì kỹ thuật GeneXpert là hết sức cần thiết.

Trong khi GeneXpert chưa đủ điều kiện để triển khai rộng rãi, phương pháp tối ưu nhất mà Hải Dương vẫn đang thực hiện là chụp X-quang phổi kết hợp soi tươi để phát hiện lao

Trong khi GeneXpert chưa đủ điều kiện để triển khai rộng rãi, phương pháp tối ưu nhất mà Hải Dương vẫn đang thực hiện là chụp X-quang phổi kết hợp soi tươi để phát hiện lao

Khó khăn lớn nhất hiện nay là Việt Nam chưa sản xuất được sinh phẩm để phục vụ kỹ thuật xét nghiệm GeneXpert mà mua từ nước ngoài thì cần nguồn kinh phí lớn.

Đầu tháng 2 năm nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thông báo Chương trình chống lao quốc gia không còn kinh phí để mua hóa chất, vật tư cho xét nghiệm đờm trực tiếp cấp cho Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do đó, các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương cần chủ động bố trí ngân sách địa phương để mua hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm chẩn đoán lao.

Những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm đến công tác phòng chống lao. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận nguồn lực dành cho hoạt động này còn khiêm tốn. Để đạt được mục tiêu chiến lược cùng với cả nước chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Hải Dương cần tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đầu tư nguồn lực đủ để triển khai các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, trong đó có GeneXpert.

Những năm gần đây, tại Hải Dương, số ca mắc lao mới được phát hiện vẫn ở mức cao. Năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 1.053 ca mắc lao các thể. Trước đó, trong giai đoạn 2018-2022, bình quân mỗi năm toàn tỉnh phát hiện 1.197 ca. Đa số bệnh nhân được phát hiện lao một cách thụ động. Trên thực tế, số lượng người mắc lao có thể còn cao hơn nếu chương trình khám sàng lọc lao chủ động trong cộng đồng được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-ung-dung-hieu-qua-ky-thuat-xet-nghiem-sinh-hoc-phan-tu-trong-chan-doan-benh-lao-376316.html