Sau một thời gian dài tạm dừng do Covid-19, các di tích mở cửa, các lễ hội tại Hải Dương đã được tổ chức trở lại trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhiều người.
Tại các điểm di tích, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt đã đón một lượng du khách rất lớn ngay từ mùng 1 Tết.
Đến với các di tích, nhân dân địa phương và du khách không chỉ tham quan, vãn cảnh mà còn cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu trừ, quốc thái dân an, thế giới hòa bình.
Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên Báo Hải Dương ghi lại tại các di tích trong tỉnh:
Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ là địa điểm được du khách xa gần đến thăm viếng trong những ngày đầu xuân. Đền Cao thờ An sinh vương Trần Liễu - thân phụ của danh tướng Trần Hưng Đạo, có tên An Phụ Sơn Từ. Đền tọa lạc ở độ cao 246 m - trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ ở thị xã Kinh Môn. An Sinh vương Trần Liễu mất ngày 1.4.1251. Người dân lập đền thờ trên đỉnh An Phụ, lấy ngày 1.4 âm lịch hằng năm là ngày hội đền Cao An Phụ
Đến di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, du khách không chỉ được đắm mình vào không gian linh thiêng cổ tự mà còn như lạc vào một công viên rộng lớn tràn ngập màu xanh
Cầu Thấu Ngọc bắc ngang dòng suối Côn Sơn được rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Dù mùa khô, dòng suối cạn nhưng đứng đây vẫn như nghe rõ những câu thơ của Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai...
Phong cảnh đẹp đẽ với tùng, cúc, trúc, mai bao phủ, di tích Côn Sơn không chỉ là nơi hành lễ mà còn là điểm check-in yêu thích của các bạn trẻ khi về với di tích quốc gia đặc biệt này
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hàng vạn du khách trong những ngày đầu xuân, trong đó có nhiều du khách trẻ, cho thấy văn hóa truyền thống đang được kế thừa và phát huy mạnh mẽ
Tục xin chữ đầu năm ở đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trong quần thể danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa đặc sắc mỗi mùa xuân đến
Đền thờ vua Lê Đại Hành trong quần thể di tích cấp quốc gia đền Cao An Lạc (TP Chí Linh) đang được nâng cấp đường lên song đã đón rất đông du khách đến thăm viếng trong những ngày đầu xuân. Đền Cao An Lạc thờ vua Lê Đại Hành và 5 vị tướng họ Vương sinh ra ở Dược Đậu trang (nay là phường An Lạc) đã có công giúp nhà vua đánh giặc Tống. Năm 981, nơi đây là đại bản doanh của vua Lê Đại Hành
Nhiều du khách đến Văn miếu Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng - biểu tượng của tinh thần hiếu học xứ Đông - để tham quan, xin chữ với mong muốn con cháu học hành đỗ đạt
Thời tiết thuận lợi nên đền Tranh - di tích lịch sử - văn hóa quốc gia thờ vị thủy thần Đệ Ngũ Tuần Tranh (hoàng tử thứ năm của vua Thủy), sau được phong là Tranh Giang Đại Vương Hoàng Hợp Tôn Thần - đã thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, hành lễ. Dù du khách đến rất đông song không xảy ra tình trạng ùn tắc như những năm trước
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Bạch Hào (Thanh Hà) tổ chức lễ hội sớm nhất trong tỉnh (mùng 6 tháng giêng) thu hút hàng vạn du khách. Ngoài các nghi lễ truyền thống, du khách tham gia lễ hội còn được chứng kiến các trò chơi dân gian đặc sắc như đua chải, bắt vịt trên sông, thi nấu cơm trên thuyền... Chùa Bạch Hào xây dựng năm 1011 dưới thời vua Lý Thái Tổ, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993. Lễ hội truyền thống tại ngôi chùa này đã lọt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
TIẾN HUY
>>> Kinh Môn khai hội xuân Quý Mão năm 2023 tại di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ
>>> [Video] Độc đáo Lễ hội chùa Bạch Hào
>>> Đền Tranh - điểm đến tâm linh