Nhà văn Hà Khánh Linh - Miệt mài với văn chương
Gần 80 tuổi, mỗi ngày bà vẫn đọc sách và Phật pháp viết bằng tiếng Pháp, đồng thời dành ra 2 tiếng tự học tiếng Trung. Nhà văn Hà Khánh Linh không chỉ 'dày' trên những trang viết, mà còn đẹp ở tấm gương về rèn luyện, phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học.
Năm 1965, khi đang là sinh viên dự bị Trường đại học Khoa học Sài Gòn (bây giờ là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cô sinh viên Nguyễn Khoa Như Ý (sinh năm 1945) tham gia hoạt động bí mật cách mạng, là thành viên trong đơn vị tình báo T65 của Bộ Nội vụ. Khi kẻ thù tìm ra đầu mối, cô về quê (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) và được tổ chức đưa thoát ly lên chiến khu, trở thành cô giáo Trường Văn hóa miền Nam. “Thúy” (1973) là tiểu thuyết đầu tay của cô, ký bằng bút danh Hà Khánh Linh, ít nhiều mang dáng dấp tự truyện, kể về con đường đến với cách mạng của một nữ sinh yêu nước đầy nhiệt huyết. Là cuốn tiểu thuyết đầu tay của cây bút nữ trong văn học giải phóng miền Nam, tác phẩm khẳng định tên tuổi nhà văn trên diễn đàn văn học cách mạng. Sau thành công ấy là nửa thế kỷ lao động nghệ thuật cần mẫn, miệt mài với văn chương. Đến nay, Hà Khánh Linh đã ghi tên mình trên 12 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, 2 truyện dài, 1 truyện kể, 1 tự truyện, 1 hồi ký, 2 tập thơ... ngót nghét gần 30 đầu sách thể hiện một bút lực sung mãn đáng nể phục.
Bén duyên nghề giáo không lâu, Hà Khánh Linh chuyển qua làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng (1965-1975), làm phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Bình Trị Thiên (1975-1980), phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương (1980-2000). Ngoài công việc và thiên chức làm vợ, làm mẹ, Hà Khánh Linh còn quay lại giảng đường đại học, tốt nghiệp cử nhân Nga văn Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế) và viết sách.
Nhà văn cho rằng: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là một “nghề” mà là một cách sống, một thái độ ứng xử, cũng như tôi đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi... Khi đau khổ tuyệt vọng, một số người tìm tới chất gây nghiện, cuộc đỏ đen, còn nhà văn tìm tới cây bút và trang viết. Sự hưng phấn của kẻ nghiện khác với sự thăng hoa trong tâm hồn nhà văn khi sáng tác là ở chỗ này. Một bên là tự tàn phá cuộc đời, hủy hoại nhân cách và làm khổ cho rất nhiều người, còn bên kia thì ngược lại”.
Là người con xứ Huế, xuất thân từ một trong những dòng họ danh giá của đất Thần kinh, Hà Khánh Linh ngày càng thể hiện nhiều sự quan tâm đến các đề tài về quê hương, về lịch sử Triều Nguyễn (Người kinh đô cũ, Con gái người cung nữ...) hay về môi trường sinh thái đang dần bị hủy hoại bởi lòng tham của con người (Rừng và cái chết của con thiên nga, Vũng Chân Mây...). Ngoài hai thể loại sở trường là tiểu thuyết và truyện ngắn, khi đọc hồi ký (Ngày ấy, Trường Sơn), tự truyện (Phùng Quán viết “Trăng hoàng cung”) và những tập thơ đầy ắp cảm xúc (Trăng cứu rỗi, Những bọt bóng màu) của Hà Khánh Linh, người đọc tìm thấy một trời gian khó của một phụ nữ sinh ra trong bão lửa chiến tranh, sống toàn vẹn với tấm lòng yêu nước và lý tưởng của cách mạng.
Ngoài tiếng Nga, Hà Khánh Linh còn biết và sử dụng được tiếng Anh, tiếng Trung, thành thạo nhất là tiếng Pháp. Bà kể, thời đó vừa nuôi con dại, vừa hoàn thành công việc cơ quan vừa ôn và thi đỗ vào khoa tiếng Nga bởi một mục đích duy nhất: Đọc được tiểu thuyết của chính mình bằng… tiếng Nga. Bà chia sẻ: “Khi “Thúy” được dịch sang tiếng Nga, tiếng Rumania và tiếng Đức, mình đem tặng mọi người mà không giữ lại cho bản thân. May mắn được nhà thơ Tế Hanh tặng lại một bản tiếng Nga làm kỷ niệm, tự nhiên lại cháy lên mong muốn đọc được đứa con tinh thần của mình dưới lớp áo mới. Mình đã quyết tâm học tiếng Nga”.