Hải Dương: Xã Hồng Dụ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn của xã Hồng Dụ ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống của người dân ngày một nâng lên.
Xã Hồng Dụ (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) ngày nay được tái lập trên cơ sở sáp nhập xã Hồng Thái và xã Hồng Dụ trở lại theo Nghị quyết số 788, ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương.
Sau tái lập, xã Hồng Dụ có diện tích tự nhiên 777,97 ha, dân số là 8.740 nhân khẩu và 2.618 hộ. Đảng bộ xã Hồng Dụ hiện có 14 chi bộ, trong đó có 7 chi bộ thôn, 7 chi bộ ngành và sự nghiệp, với 566 đảng viên. Đến nay xã có 7/7 thôn đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận làng văn hóa, trong đó có 3 thôn sáp nhập theo Quyết định số 1761, ngày 16/10/2019 của UBND tỉnh Hải Dương. Năm 2020, Hồng Dụ được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thừa nhận xã nông thôn mới sau sáp nhập.
Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, Hồng Dụ được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Không có điểm kết thúc
Ông Nguyễn Đức Tráng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ cho biết, nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là một tiến trình, chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc nên ngay sau khi được cấp trên thừa nhận xã nông thôn mới sau sáp nhập, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hồng Dụ đã bám sát quy định, hướng dẫn của cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, xã đã hoàn thiện quy hoạch chung, được UBND huyện ra Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang đến năm 2030. Có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tổng kinh phí đã huy động là trên 60 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách xã, cấp trên hỗ trợ, nhân dân đóng góp và từ nguồn tài trợ, xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân con em địa phương. Trong đó xã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng gồm cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc; hoàn thiện phòng học bộ môn trường tiểu học; cải tạo sửa chữa trụ sở làm việc của UBND xã Hồng Dụ cũ làm nhà hiệu bộ và các phòng chức năng của Trường THCS Hồng Dụ; sửa chữa Trường THCS Hồng Dụ cũ làm trụ sở làm việc của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - môi trường, trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức xã hội của xã...
Từ năm 2020 đến nay, xã và các thôn đã làm mới được 26 tuyến đường với tổng chiều dài là 5.312,2m, kinh phí 22.173.000.000 đồng; xây lại bờ ao mở rộng nền đường 1.560m, kinh phí trên 900 triệu đồng; đổ lề đường 950m2, kinh phí 250 triệu đồng; đắp phụ lề 700m đường, góp phần thực hiện sáng, xanh, sạch đẹp; nhân dân đã hiến gần 3.000 m2 đất để mở rộng lòng, lề đường và làm mới đường giao thông nông thôn.
Về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất như mô hình liên kết sản xuất thóc giống của anh Trần Anh Giáo thôn Tiêu Tương. Chương trình OCOP được quan tâm triển khai, đến nay trên địa bàn xã có 5 sản phẩm được công nhận, trong đó 2 sản phẩm 3 sao là giò lợn, chả lợn Đức Lương, 3 sản phẩm 4 sao gồm giò vịt, chả vịt, thịt vịt sạch Vương Dung.
Ngoài ra, có nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, toàn xã hiện có 238 hộ kinh doanh, dịch vụ và Công ty TNHH Một thành viên Senying chuyên sản xuất giầy da, 7 cơ sở may gia công thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 850 công nhân có thu nhập ổn định. Năm 2023, thu nhập bình đầu người của xã đạt 68,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,03%.
Củng cố cơ sở vật chất
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao của xã Hồng Dụ phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu đáp ứng nhu cầu của nhân dân; các phong trào dân vũ, bóng chuyền hơi, pháo đất, hoạt động hè, tết thiếu nhi, tết trung thu được tổ chức thường xuyên, có chất lượng chuyên môn cao. Năm 2023 có 95,93% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 7/7 thôn duy trì và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa.
Trong công tác giáo dục - đào tạo thu được nhiều kết quả nổi bật, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh thi chuyển cấp đạt 100%, thi đỗ vào lớp 10 các trường THPT hệ công lập ngày càng tăng. Công tác khuyến học được quan tâm, hoạt động có hiệu quả, hàng năm đã vận động xã hội hóa nhằm động viên cho các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao thưởng cho giáo viên, học sinh có thành tích cao, học sinh thi đỗ đại học.
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. UBND xã tập trung rà soát, củng cố cơ sở vật chất, chuyên môn trạm y tế, hoàn thiện hồ sơ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đã được cấp trên kiểm tra, công nhận. Về công tác chính sách và an sinh xã hội, thực hiện chi trả các chế độ người có công và bảo trợ xã hội đảm bảo kịp thời, đầy đủ; phối hợp trao, tặng quà của cấp trên, các doanh nghiệp và địa phương cho các đối tượng nhân dịp lễ, tết. Đến nay 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước nước sạch theo quy định; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - môi trường thực hiện tốt hoạt động thu gom, xử lý rác thải.
Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nhất là trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử…
Chia sẻ với Mekong ASEAN về nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục huy động mọi tiềm năng, nội lực của địa phương, huy động sức dân, sự tham gia chung sức đồng hành của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của con em xa quê và đặc biệt là sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước để duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, quyết tâm phấn đấu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.