Hai 'gọng kìm' phòng, chống tham nhũng

Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu ra trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Bộ Chính trị ban hành mới đây là 'từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước'. Yêu cầu này được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Việc thực hiện hai 'gọng kìm' ở cả khu vực công và khu vực ngoài nhà nước bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, tạo ra môi trường phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Thời gian qua, chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều lãnh đạo các tập đoàn tư nhân bị khởi tố, bắt giam để điều tra làm rõ các hành vi phạm tội. Trong đó, liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nhiều đối tượng đã cấu kết với nhau để nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 “bỏ túi” hàng chục tỷ đồng. Vụ án này chỉ là một trong những biểu hiện của sự bắt tay, thỏa thuận ngầm giữa những đối tượng khu vực ngoài nhà nước và khu vực công để trục lợi. Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tiêu cực, tham nhũng đang diễn biến phức tạp ở khu vực ngoài nhà nước. Do đó, việc “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” của Bộ Chính trị là yêu cầu rất cấp thiết khi mà “vòi bạch tuộc” tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã len lỏi, cấu kết chặt chẽ với những kẻ suy thoái, biến chất trong khu vực công. Nếu không kịp thời phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư thì công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta như đi “lò cò một chân” mà thôi.

Không phải cho đến thời điểm này, phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước mới được đề cập đến. Ngay từ khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu đã ủng hộ việc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi những khoản “lại quả” mà doanh nghiệp phải trích để chi phí cho việc “bôi trơn” hợp đồng theo phương thức thỏa thuận ngầm chính là hành vi tham nhũng trong khu vực tư.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư không thể dự đoán trước được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh bởi phương thức kinh doanh thiếu liêm chính. Tình trạng doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp "sân sau" với nhiều ưu ái bất bình thường đã được cử tri phản ánh từ lâu. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu chúng ta bỏ qua khu vực tư.

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội Khóa XIV thông qua đã “đi trước một bước” khi mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định.

Cần nhấn mạnh rằng, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước hoàn toàn không trái với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để tăng cường tiềm lực của xã hội. Mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Khi tham nhũng đã có sự cấu kết chặt chẽ giữa khu vực công và ngoài nhà nước, thì phòng, chống tham nhũng muốn hiệu quả, không còn cách nào khác phải thực hiện song hành ở cả hai khu vực này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chức năng phải tuân thủ đúng pháp luật, không làm khó doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan trong phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước. Bộ Chính trị cũng yêu cầu từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Phần việc còn lại là khâu triển khai thực hiện của chính các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và của các cơ quan chức năng.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hai-gong-kim-phong-chong-tham-nhung-jxdccwhcgb-82192