Hài hòa lợi ích xe hợp đồng và xe tuyến cố định

Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng, tạo 'sân chơi' bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định, taxi

Bà Đỗ Hương Giang, Phó Phòng Quản lý vận tải - Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện có trên 37.000 xe hợp đồng, bao gồm 18.000 chiếc dưới 9 chỗ, 3.300 chiếc tuyến cố định. Lượng xe hợp đồng gấp nhiều lần xe tuyến cố định; xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhiều hơn taxi.

Chưa bình đẳng

Theo bà Giang, trên địa bàn Hà Nội còn có tình trạng xe biển trắng chở khách âm thầm hoạt động không đúng quy định nhưng quản lý vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng Luật Đường bộ chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của tài xế) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản; còn xe dưới 8 chỗ thì không nhắc tới. Vì vậy, hiện nay có tình trạng "xung đột" là xe hợp đồng dưới 8 chỗ hoạt động như taxi, trong khi taxi phải khai cước thì xe hợp đồng lại không, rất bất lợi cho taxi chính thống.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: LƯƠNG TUẤN

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: LƯƠNG TUẤN

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam, xe khách trong bến đang làm theo luật là xuất phát đúng giờ quy định, song xe hợp đồng lại có thể "xé rào", có thể chạy giờ nào tùy ý. Xe hợp đồng vận chuyển nhiều loại hành khách như tham quan, du lịch, công nhân, học sinh...; phạm vi hoạt động rộng, thường xuyên và đi qua nhiều tuyến đường, ngõ ngách, nhiều khung giờ. Từ đó nảy sinh việc xe hợp đồng chạy như xe tuyến cố định. Ngoài ra, xe hợp đồng chỉ nộp mỗi thuế môn bài, trong khi xe tuyến cố định phải nộp nhiều loại thuế khác.

Đều cần được tồn tại

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), cho biết nhà xe này vừa chạy hợp đồng vừa chạy tuyến cố định với 21 chiếc tại Bến xe Mỹ Đình. Do nhu cầu vận chuyển, doanh nghiệp này muốn tăng lên 41 xe mới đủ nhưng không phải chuyện dễ vì liên quan quy hoạch. Do đó, công ty phải mở thêm cả hình thức xe hợp đồng. Việc mở thêm xe hợp đồng phải tuân theo quy định, với giấy phép kinh doanh, hợp đồng khách...

"Doanh nghiệp vận tải kinh doanh tuyến cố định và hợp đồng đều cần được tồn tại để phục vụ nhu cầu của hành khách. Điều quan trọng là việc quản lý cần bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích, tạo sự bình đẳng" - ông Bằng bày tỏ.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng loại hình xe hợp đồng cần phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế và phải có bảo hiểm đi kèm cho hành khách. Việc đón trả khách cũng phải được thực hiện tại một số khu vực nhất định, chứ không nên tràn lan như hiện nay.

Cần xây dựng khung pháp lý để quản lý xe hợp đồng, như đăng ký kinh doanh, thu thuế, xem xét thêm các loại phí bến bãi khi đón trả khách tại những điểm được quy định... nhằm tạo "sân chơi" bình đẳng đối với xe khách tuyến cố định" - chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhìn nhận.

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-hoa-loi-ich-xe-hop-dong-va-xe-tuyen-co-dinh-196240825173354121.htm