Hài hòa thưởng Tết

Mặc dù năm 2023 gặp không ít khó khăn, đơn hàng giảm nhưng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn có kế hoạch thu xếp, tiết kiệm chi tiêu để dành nguồn lực nâng mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người lao động.

Dự kiến, mức thưởng Tết của các doanh nghiệp năm nay bình quân là hơn 6,4 triệu đồng/người, tăng gần 55% so với năm trước.

Để mang lại kết quả này, một cách làm hay của Vĩnh Phúc là có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngành lao động-thương binh và xã hội nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa; các cấp công đoàn, chi bộ đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chủ động thương lượng, thuyết phục chủ doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cho người lao động, đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động tích cực lao động sản xuất, chia sẻ khó khăn, không “yêu sách” thưởng Tết quá khả năng của doanh nghiệp.

Khi nguyện vọng của người lao động và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp gặp nhau, sẽ tạo ra sự hài hòa về lợi ích, góp phần quan trọng động viên người lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 Ảnh minh họa: vtv.vn

Ảnh minh họa: vtv.vn

Thưởng Tết luôn là vấn đề được nhiều người lao động cũng như cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, đây lại không phải là quy định bắt buộc, thưởng hay không thưởng, mức thưởng ra sao tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Có một thực trạng đáng buồn là do chưa đồng thuận về vấn đề thưởng Tết, đây đó thỉnh thoảng vẫn xảy ra khúc mắc, mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, thậm chí còn xảy ra tình trạng công nhân ngừng việc tập thể, để lại nhiều hệ lụy xấu.

Từ thực tế ở Vĩnh Phúc cho thấy, để thưởng Tết mang lại ý nghĩa thiết thực, không trở thành nỗi lo của doanh nghiệp hay sự thất vọng của người lao động khi nguyện vọng không được đáp ứng thì phải tìm ra “điểm hài hòa”. Đó là giới hạn phù hợp với tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời là mức thưởng mà người lao động có thể chấp nhận được.

“Điểm hài hòa” chỉ có thể có được khi trước hết, chủ doanh nghiệp phải nhận thức được rằng thưởng Tết tuy không bắt buộc theo luật định nhưng trên thực tế lại là khoản thu nhập được đa số người lao động, không kể mức lương cao-thấp, mong chờ nhất trong năm. Đây không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ người lao động sau một năm làm việc vất vả mà còn là việc làm chứa đựng ý nghĩa văn hóa, nhân văn; là một hình thức thiết thực để chăm lo người lao động-vốn quý trực tiếp tạo ra sự phát triển của doanh nghiệp. Hiểu rõ điều đó, chủ doanh nghiệp sẽ có những biện pháp chăm lo thực sự, xuất phát từ cái tâm của mình chứ không phải “làm cho có”. Mặt khác, dù thưởng Tết ở mức nào thì cũng phải trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, khả năng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đương nhiên sẽ không thể thưởng Tết ngoài khả năng tài chính của mình. Vì vậy, sự cảm thông, chia sẻ, tinh thần vì tập thể của người lao động có ý nghĩa quan trọng để tìm ra “điểm hài hòa”.

Hài hòa trong thưởng Tết, “tất cả cùng thắng” không chỉ là mong mỏi của mỗi người lao động, chủ doanh nghiệp mà còn là của cả xã hội.

PHƯƠNG HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hai-hoa-thuong-tet-758791