Hài hòa trong chuyện lúa gạo
Lâu nay xuất khẩu gạo luôn mang lại niềm vui, song chưa năm nào vui bằng năm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục cả về số lượng với 8,288 triệu tấn và phẩm cấp tốt, được giá, kim ngạch tăng 38,4% so với năm 2022. Với đỉnh cao mới, xuất khẩu gạo cùng với xuất khẩu rau quả là 2 điểm sáng trong bức tranh tươi màu năm qua của ngành nông nghiệp, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế.
Thành công này càng khẳng định vị thế và tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, vững vàng nằm trong top 3 thế giới về xuất khẩu gạo, hãnh diện góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đất nước trở thành cường quốc lúa gạo. Đó là hồn cốt để chủ trương về “tam nông” có bước tiến quan trọng với sản xuất nông nghiệp sinh thái - bộ mặt nông thôn hiện đại - đời sống nông dân văn minh. Từ đó, tạo niềm tin triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải nông nghiệp thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng đón nhận tin vui, đó là Nhà nước đã kịp thời đưa ngay hạt gạo nghĩa tình đến bếp lửa hồng, để bà con no đủ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chính là hiện thực hóa chủ trương "không ai bị bỏ lại phía sau", nhà nhà đều có Tết no đủ, đầm ấm...
Song, với sản lượng lúa gạo dồi dào như thế, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu nắm bắt tình hình kịp thời hơn đời sống của người dân từ sớm từ xa hơn nữa, nhất là những vùng ít đất trồng lúa, sẽ không xảy ra tình hình "thiếu thốn cục bộ" không đáng có.
Đương nhiên, trong cộng đồng dân cư cũng còn một bộ phận những người lao động vẫn khó khăn trong tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm, do đó thu nhập không ổn định, đời sống bấp bênh, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì lâm vào tình trạng thiếu thốn... Đó là những khía cạnh của vấn đề an sinh xã hội chưa thể một sớm một chiều mà xử lý trọn vẹn trong điều kiện thiên nhiên, thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay.
Để giải quyết căn cơ hiện trạng lúa gạo dồi dào mà vẫn phải trợ cấp khó khăn vào dịp Tết hoặc giáp hạt, cần xem xét vấn đề trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đất nước đang vững bước trên lộ trình hội nhập và phát triển.
Theo đó, cần rà soát việc sử dụng đất ruộng cân đối với phát triển các lĩnh vực phi nông nghiệp, hạn chế việc lấy đất lúa xây dựng các công trình phi nông nghiệp (vẫn phải bảo đảm diện tích đất lúa 3,9 triệu ha như đã tính toán trong kế hoạch nhà nước để bảo đảm sản lượng thóc 42 triệu tấn/năm trở lên). Khi sản lượng lúa gạo dồi dào sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sử dụng.
Và, không hẳn cứ sinh sống ở nông thôn là phải cấy lúa, trồng khoai, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do vậy, cần đầu tư tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp để chuyển dần lao động nông nghiệp, nông thôn sang các khu vực khác có thu nhập cao hơn và ổn định hơn theo hình thức phân công lao động tại chỗ “ly nông bất ly hương”. Đối với nhóm người yếu thế, cần có sự quan tâm đặc biệt, giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhất là tham gia giáo dục nghề nghiệp, học nghề để có việc làm chắc chắn, có thu nhập ổn định. Tại cộng đồng làng, bản cần phát huy cao độ đạo lý “lá lành đùm lá rách”, cưu mang, khắc phục bất cập tại chỗ trước khi có sự hỗ trợ từ trên, từ xa.
Với lượng lúa gạo hùng hậu trong mối quan hệ thị trường, điều cần thiết là thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời những nhu cầu thiết yếu để có thể đáp ứng đúng lúc, đúng đối tượng. Cơ quan có chức năng bảo trợ xã hội cần giúp Chính phủ nắm bắt kịp thời các đối tượng chưa tự bảo đảm đủ lương thực, gạo ăn để có ngay các giải pháp xử lý kịp thời.