Hai học sinh người Dao quyết 'xuống núi' học đại học thay đổi cuộc đời

Vượt lên số phận, hai học sinh người dân tộc Dao quyết tâm 'xuống núi' nhập học, trở thành tân sinh viên Trường ĐH Đông Đô.

Đặng Thị Phương và Bàn Phúc Chương (ngoài cùng bên trái) đến nhập học tại Trường ĐH Đông Đô.

Đặng Thị Phương và Bàn Phúc Chương (ngoài cùng bên trái) đến nhập học tại Trường ĐH Đông Đô.

Vượt lên số phận

Từ xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang), Đặng Thị Phương (sinh năm 2006) vượt hơn 300 km về Hà Nội nhập học. Bị khuyết tật bẩm sinh (không có bàn tay trái), Phương có hoàn cảnh éo le khi bố, mẹ ly hôn năm em lên 8 tuổi. Phương ở với mẹ.

“Sau này, mẹ đi bước nữa và dẫn em đi theo” – Phương kể và cho biết, cách đây mấy năm, bố dượng không may bị tai nạn. Dù giữ được tính mạng nhưng không còn khả năng lao động, để lại khoản nợ hàng trăm triệu đồng lên đôi tay mẹ. “Với gia đình em, đó là con số khổng lồ” – Phương trải lòng.

Trước khi bị tai nạn, dượng Phương làm thợ xây, còn mẹ ở nhà làm nương rẫy. Sau này, để có tiền chạy chữa cho chồng nên mẹ dẫn dượng lên Bắc Giang làm công nhân để tiện chăm sóc. Nhà chỉ còn mình Phương nuôi đàn heo, gà và lên rừng bẻ măng, chặt củi.

Ở thời điểm hiện tại, 500 nghìn là tài sản có giá trị lớn với gia đình em. Lúc lên Hà Nội nhập học, em cầm theo số tiền này do mẹ cóp nhặt từ việc bán lúa giống, con gà” – Phương chia sẻ.

Vượt lên số phận, vươn lên thoát nghèo, Phương quyết tâm theo học, tìm kiếm con chữ để có tương lai sáng lạn. Những ngày được nghỉ học, Phương tranh thủ lên rừng chặt củi, bẻ măng để bán nhằm giúp mẹ trang trải cuộc sống và có tiền mua sách vở.

 Đặng Thị Phương được hướng dẫn làm thủ tục nhập học.

Đặng Thị Phương được hướng dẫn làm thủ tục nhập học.

"Ở quê, các bạn cùng trang lứa thường nghỉ học sớm. Nhiều bạn bằng tuổi em đã có chồng, con. Em không muốn đói nghèo cứ luẩn quẩn nên chỉ còn cách quyết tâm học hành. May mắn, em được nhà trường và chính quyền địa phương động viên, giúp đỡ nên đã tốt nghiệp THPT” – Phương bộc bạch và cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 em đạt 19,5 điểm tổ hợp C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Với số điểm trên, Phương đủ điều kiện trúng tuyển vào một số ngành/trường học. Học đại học là mơ ước của Phương nhưng nỗi lo về học phí, tài chính nơi phố thị khiến em mất ăn, mất ngủ. Phương đã tính đến việc tạm gác lại ước mơ học hành. Có những lúc bế tắc, nữ sinh này đã nghĩ đến bỏ cuộc.

Giúp sinh viên hiện thực hóa "Giấc mơ giảng đường"

Nhìn lại hoàn cảnh gia đình, bản thân bị khuyết tật nên Phương lại nung nấu ước mơ và quyết tâm thay đổi cuộc đời. May thay, thông qua Ban đại diện Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”, Phương được Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) tiếp nhận và miễn toàn bộ học phí, ở ký túc xá trong 4 năm học và hỗ trợ nữ sinh 1,5 triệu đồng/tháng.

Hiện Phương đã làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Đông Đô và trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. "Giấc mơ giảng đường" đang dần trở thành hiện thực với nữ sinh người Dao. “Em sẽ quyết tâm học hành để vượt lên số phận. Khi ổn định học tập, em sẽ tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống” – Phương tâm sự.

 Bàn Phúc Chương được cán bộ Trường ĐH Đông Đô hướng dẫn nhập học.

Bàn Phúc Chương được cán bộ Trường ĐH Đông Đô hướng dẫn nhập học.

TS Trịnh Hữu Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Đông Đô cho hay, từ nhiều năm nay, nhà trường có chính sách hỗ trợ, trao học bổng cho sinh viên nghèo, khuyết tật; trong đó có những ưu tiên dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mức học bổng hỗ trợ từ 30% đến 100% tiền học phí.

Đợt này, ngoài Đặng Thị Phương, Trường ĐH Đông Đô còn làm thủ tục nhập học cho tân sinh viên Bàn Phúc Chương, người dân tộc Dao ở xã Hòa Thám (Nguyên Bình, Cao Bằng). Nam sinh cũng được trường miễn học phí trong 4 năm học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Phúc Chương được 22 điểm – tổ hợp C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Nam sinh là con gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thuộc gia đình có công với cách mạng.

Bà Bàn Thị Chủ, cụ nội của Phúc Chương là người nấu cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Bà cùng người dân tiếp tế đạn dược và nấu cơm cho bộ đội đánh trận Phay Khắt, Nà Ngần, làm nên chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944.

Bà Bàn Thị Chủ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là Kim Sơn, tên mà bà lấy làm bí danh khi hoạt động cách mạng tại Cao Bằng những năm kháng chiến chống Pháp.

 Đặng Thị Phương và Bàn Phúc Chương cùng các thành viên trong Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”.

Đặng Thị Phương và Bàn Phúc Chương cùng các thành viên trong Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”.

Dù khó khăn nhưng Đặng Thị Phương và Bàn Phúc Chương là người có nghị lực vươn lên trong học tập, TS Bàn Tiến Năng – Trưởng Ban đại diện Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” nhận xét.

Ban đại diện Nhóm sẽ phối hợp với Trường ĐH Đông Đô để theo dõi quá trình học tập, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ, giới thiệu việc làm phù hợp cho các em, giúp các em hoàn thành ước mơ học tập, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

TS Bàn Tiến Năng cho hay, sau hơn 4 năm hoạt động, nhóm "Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc" đã kết nối, hỗ trợ nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Trung bình, mỗi năm Nhóm kết nối, hỗ trợ khoảng 10 sinh viên là con em đồng bào Dao. Nhóm có nhiều thành công trong việc kết nối, đặc biệt là hỗ trợ sinh viên người Dao xuống Hà Nội "tìm con chữ". Qua đó, giúp các em trưởng thành, phát triển và lan tỏa những bản sắc dân tộc.

 Một hoạt động văn hóa của Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”.

Một hoạt động văn hóa của Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”.

“Chúng tôi muốn tiếp sức, giúp các em hiện thực hóa ước mơ giảng đường đại học. Qua đó, giúp các em có thêm nghị lực vượt lên nghịch cảnh, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập và phát triển; trên hết là gieo thêm niềm tin vào cuộc sống” - TS Trịnh Hữu Tuấn nhấn mạnh.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hai-hoc-sinh-nguoi-dao-quyet-xuong-nui-hoc-dai-hoc-thay-doi-cuoc-doi-post700468.html