Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 4
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu tháng 4 chứng kiến nhiều biến động từ làn sóng thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội hồi phục vẫn hiện hữu nếu chỉ số giữ vững vùng hỗ trợ và đồng thời mở ra hai kịch bản cho thị trường.
Chuyển biến tích cực về khả năng nâng hạng của chứng khoán Việt Chứng khoán châu Á mở phiên đầu tuần trong sắc xanh
Theo đánh giá của các chuyên gia từ Chứng khoán An Bình (ABS), VN-Index đã tăng gần 120 điểm trong tháng 3/2025, tiệm cận vùng 1.340-1.350 điểm. Tuy nhiên, xu hướng đảo chiều xuất hiện rất nhanh ngay đầu tháng 4 sau khi Mỹ bất ngờ công bố áp thuế đối ứng, trong đó Việt Nam bị đánh thuế ở mức cao 46%.
Các cổ phiếu trụ từng dẫn dắt thị trường hơn 2 năm qua đều đồng loạt điều chỉnh sâu, kéo theo áp lực giảm trên diện rộng. Trong bối cảnh đó, các yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới và nội tại doanh nghiệp trong nước tiếp tục bộc lộ, tạo ra pha điều chỉnh mạnh trên toàn thị trường.
Các chỉ số chứng khoán lớn toàn cầu đều giảm sâu sau khi đạt đỉnh: S&P 500 (-21,2%), DJI (-19%), CN50 (-28%), HIS (-23%), NKY225 (-27%), FTSE (-14%), DAX (-20%)… với các nhóm ngành Công nghệ, Ngân hàng, Bán lẻ tại Mỹ mất từ 30–50% giá trị. Tại Việt Nam, VN-Index, VN30 và VNALLShare đều rơi vào pha giảm trung hạn rõ nét, tiềm ẩn nguy cơ kéo dài nếu bối cảnh kém khả quan tiếp tục trong năm 2025.

Diễn biến chỉ số VN-Index. Nguồn: KBSV.
Dù vậy, đây là cơ hội rất lớn khi thị trường xác nhận tạo đáy của biểu đồ lớn, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn cho chu kỳ sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về mặt tổng quan, thị trường đang bước vào giai đoạn đầy thử thách, đòi hỏi nhà đầu tư phải siết chặt kỷ luật quản trị rủi ro và phân bổ vốn một cách linh hoạt. Trong bối cảnh đó, ABS đưa ra 2 kịch bản chủ đạo cho diễn biến tháng 4.
Ở kịch bản đầu tiên được đánh giá có xác suất xảy ra cao, VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ 1.030-1.070 điểm sau khi lực bán giải chấp đã phần nào được hấp thụ. Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại tích lũy một cách thầm lặng, tạo tiền đề cho nhịp hồi phục kỹ thuật hướng về vùng kháng cự 1.160-1.220 điểm.
Đây có thể là pha quét thanh khoản cuối cùng đối với nhà đầu tư ngắn hạn, đồng thời mở ra cơ hội giải ngân chiến lược cho mục tiêu nắm giữ dài hạn trong hai năm tới. Tuy nhiên, theo ABS, xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là giảm, do đó việc chọn lọc cổ phiếu và kiểm soát tỷ trọng đầu tư vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu các yếu tố tiêu cực tiếp tục kéo dài và thị trường không có điểm tựa tâm lý đủ mạnh, áp lực bán sẽ gia tăng và chỉ số có thể điều chỉnh về các vùng hỗ trợ thấp hơn. Mặc dù vậy, đây cũng chính là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có sự sẵn sàng cho ít nhất một pha hồi phục biên độ lớn 200 điểm.
Trong một diễn biến khác liên quan đến triển vọng thị trường năm nay, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.100 điểm vào cuối năm 2025. Mức dự báo này dựa trên giả định tăng trưởng lợi nhuận (EPS) toàn thị trường đạt khoảng 5%, đồng thời định giá P/E của VN-Index sẽ điều chỉnh về mức 11,9 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 14,6 lần vào cuối năm 2024 và cũng dưới trung bình 10 năm gần nhất là 16,6 lần.
Sự thận trọng trong điều chỉnh vùng định giá phần lớn đến từ lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ. KBSV cho rằng điều này sẽ tạo ra nhiều sức ép đối với triển vọng vĩ mô, môi trường đầu tư, lãi suất, dòng vốn ngoại cũng như tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố nội tại tích cực có thể tạo ra các nhịp hồi phục đan xen trong năm. Một số điểm nhấn đáng chú ý bao gồm việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành từ đầu tháng 5, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong tháng 9, đẩy mạnh đầu tư công như một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dù lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại, mặt bằng chung vẫn ở mức thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với cùng kỳ./.