Hai kịch bản tăng trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023 trên cơ sở phấn đấu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2023 tăng 6-6,5% và kết quả tăng GDP quý II là 4,14%, nửa đầu năm là 3,72%.
Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6% thì tăng trưởng trong quý III phải đạt 6,8% và quý IV là 9%, lần lượt cao hơn 0,3% và 1,9% so với dự kiến hồi đầu năm. Với kịch bản này, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8%.
Kịch bản 2, với dự kiến GDP năm 2023 tăng 6,5%, tăng trưởng GDP phải đạt trong quý III và quý IV lần lượt là 7,4% và 10,3%. Mức tăng này cao hơn kịch bản hồi đầu năm là 0,9% và 3,2%. Tính chung, tăng trưởng GDP nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
Trong tháng 5 và 6-2023, tình hình kinh tế trong nước cũng đã có những tín hiệu tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, xu hướng lãi suất tín dụng giảm, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Xuất siêu hơn 12,2 tỷ USD, đầu tư có dấu hiệu tích cực khi vốn đầu tư tăng. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường trong nước, dịch vụ là trụ cột, động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, với đóng góp 80% vào tăng trưởng chung…
Điểm đáng chú ý nữa là dư địa chính sách còn rất lớn khi lạm phát giảm dần xuống 3,29% và nợ chính phủ thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép khá nhiều. Tuy nhiên, chọn kịch bản nào cũng đều là thách thức rất lớn, bởi kinh tế, xã hội gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn. Tăng trưởng thấp của khu vực công nghiệp, xây dựng là nguyên nhân chính khiến nửa đầu năm GDP tăng thấp, bằng 60% kế hoạch. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp đến mức giới hạn sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và tác động tiêu cực của diễn biến kinh tế thế giới. Xuất khẩu cũng sụt giảm do lạm phát khiến nhu cầu của nhiều thị trường lớn thu hẹp…
Và dù chọn kịch bản tăng trưởng nào trong 6 tháng tới thì các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đều phải nỗ lực rất lớn. Trước hết, các cấp, ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên quan điểm ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Mọi “rào cản” sản xuất, kinh doanh phải được gỡ bỏ; cơ quan quản lý phải kiến tạo môi trường, cơ hội đầu tư, kinh doanh và dành các nguồn lực ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần đẩy nhanh hơn nữa, bởi ý nghĩa lan tỏa của nguồn vốn này rất lớn. Bên cạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, việc kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước cũng mang lại hiệu quả cao cho tăng trưởng. Xu hướng giảm lãi suất tín dụng đã rõ nhưng các cấp, ngành phải có giải pháp để mặt bằng lãi suất giảm thực chất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tất cả đều hướng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hai-kich-ban-tang-truong-634283.html