Hai kịch bản tăng trưởng GDP quý III và cả năm 2023
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP quý III và cả năm 2023 (với mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%). Trong đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt từ 8,0% đến 8,9%.
Theo đó, ngày 4/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 54% dự toán. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng, 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD, cùng kỳ chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện 6 tháng ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 0,5% so với cùng kỳ, sau khi có mức giảm 0,8% trong 5 tháng đầu năm. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (2,74 điểm %) và số tuyệt đối (hơn 65 nghìn tỷ đồng, tăng 40%).
Cũng theo báo cáo, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%), Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%), Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%), Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%)…
Mặc dù tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý II tích cực hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,2%. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.
Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 93,3 nghìn tỷ đồng gồm cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thuê nhà, giảm thuế, phí, lệ phí…
Về phân bổ vốn đầu tư công, đến nay Chính phủ đã giao toàn bộ hơn 707 nghìn tỷ đồng cho bác bộ, ngành, địa phương; trong đó đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 30/6, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển với tổng số vốn hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch; giải ngân đạt hơn 6.836 tỷ đồng, bằng khoảng 28,2% kế hoạch.
Tại Hội nghị, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.
Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%. Kịch bản 2, mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.