Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam

Ở kịch bản xấu hơn, GDP cả nước năm 2020 có thể chỉ đạt khoảng 6,09%

Đến ngày 7-2, Việt Nam ghi nhận 12 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV), trong đó 3 người đã xuất viện. Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang đặt ra thách thức rất lớn cho các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc, vật tư y tế. Trong khi đó, giá thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu dùng giảm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm.

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm 2019. Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý II/2020, tăng trưởng quý II chỉ đạt 5,81% - thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm 2019.

Hàng không là một những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch nCoV. Trong ảnh: Phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ hiếm thấy trong mấy ngày qua Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Hàng không là một những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch nCoV. Trong ảnh: Phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ hiếm thấy trong mấy ngày qua Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Với 2 kịch bản này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tùy thuộc vào tình trạng dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. "Đây cũng là phương án để theo dõi, Bộ KH-ĐT sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng" - ông Phương cho hay.

Bộ KH-ĐT dự báo trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nếu dịch kết thúc cuối quý I/2020, xuất khẩu quý I đạt kim ngạch 46,5 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I ước đạt 5,6 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản sẽ giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.

Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý II/2020, xuất khẩu ước tính quý II đạt kim ngạch 51 tỉ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý II đạt 5,6 tỉ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm trên 60%, hàng thủy sản giảm 57%.

Ngành nông nghiệp hiện đã chịu những tác động khi nông sản ùn ứ ở cửa khẩu sau thời gian tạm dừng thông quan. Nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đối với các mặt hàng này đang chững lại do đóng cửa biên giới và do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt. Nhiều mặt hàng nông sản phải chịu sức ép về thời vụ, bảo quản như trái cây, nhất là thanh long, dưa hấu,... nên khó xoay chuyển trong thời gian ngắn, không dễ chuyển hướng thị trường do chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức cũng như đáp ứng truy xuất nguồn gốc thông thường.

Theo Bộ KH-ĐT, cũng do ảnh hưởng bởi dịch, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm bệnh. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Chính phủ sẽ rất vất vả

Chuyên gia cao cấp - TS Lê Đăng Doanh cho rằng một nền kinh tế có độ mở rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP cả nước như Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động trực diện từ nhiều phía khi có những diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế - xã hội của thế giới. Đặc biệt, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều khả năng không đạt kỳ vọng. Cùng với đó, lĩnh vực chịu tác động nặng nề không kém là du lịch, kéo theo hàng loạt khu vực "ăn theo" cũng bị lao đao như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, vận tải...

Ở tầm vĩ mô, dịch nCoV là thách thức lớn với tăng trưởng GDP trong năm nay. Tuy Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, trong đó có GDP, lạm phát... nhưng rõ ràng phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu. Chính phủ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn về việc làm, tồn kho, thu ngân sách, lạm phát... Chỉ riêng vấn đề lạm phát, bài toán khó đặt ra là lạm phát phụ thuộc vào cung tiền, mà trong tình hình khó khăn này, muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao thì rõ ràng cần tăng cung tiền.

"Tôi đề nghị Chính phủ, địa phương... lúc này cần có giải pháp rõ ràng, cụ thể để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì giá trị đồng tiền khi nhân dân tệ giảm giá gây xáo trộn tỉ giá khu vực. Với xuất khẩu, ngoài tìm cách tiếp cận hiệu quả các thị trường châu Phi, Trung Đông... nhằm thay thế một số thị trường truyền thống khác thì còn phải chú trọng chế biến sâu, tiến tới xuất khẩu sản phẩm chế biến, đóng hộp có giá trị cao. Đồng thời, theo dõi diễn biến đầu tư nước ngoài, đánh giá khả năng dòng vốn đầu tư rời bỏ Trung Quốc đến Việt Nam để có kế hoạch thu hút hiệu quả..." - chuyên gia này góp ý. Ph.Nhung

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-cho-viet-nam-20200207214841295.htm