Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm nay ở mức 6-6,5%. Để đạt được mục tiêu này thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8-7,4%.
Sáng 4/7, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ cho thấy, tăng trưởng quý II tích cực hơn, ước tăng 4,14% so với cùng kỳ 2022.
Đặc biệt, nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II cao hơn. Cụ thể: TPHCM tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%; Vĩnh Phúc tăng 3,8%...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều chỉ dấu tích cực như, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,39% so với cùng kỳ 2022, tiếp tục xu hướng giảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng, xuất siêu 12,25 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2022. Giải ngân vốn đầu tư công đã có cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch, tương đương hơn 65.000 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, đặc biệt là ngành công nghiệp có cải thiện, giá trị tăng thêm quý II là 1,56%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6.
Tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng ở mức 6-6,5% cho năm nay:
Kịch bản 1: GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2: GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Dũng cho rằng các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn. Theo đó cần khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hai-kich-ban-tang-truong-kinh-te-nam-nay-post1548479.tpo