Hai kỷ lục trong trận mưa sáng 10/5 ở TPHCM
Lần đầu tiên, TPHCM ghi nhận một trận mưa lớn như vậy mà nguyên nhân không xuất phát từ bão hay dải hội tụ nhiệt đới. Cũng là lần đầu tiên, mưa lớn cực đoan, hiếm thấy bao trùm nhiều địa phương ở Nam Bộ như thế.
Từ đêm 9/5 đến sáng 10/5, khu vực Nam Bộ đón một đợt mưa lớn cực kỳ hiếm gặp. Nguyên nhân của đợt mưa này là do rãnh áp thấp hoạt động mạnh, kết hợp với gió Tây Nam tầng thấp có cường độ trung bình, tạo điều kiện hội tụ ẩm mạnh trên khu vực.
Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên, có tới 11 điểm đo ở Nam Bộ ghi nhận lượng mưa trên 100mm chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, tập trung tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận mưa lớn phổ biến từ 50-100mm.
Riêng tại Củ Chi của TPHCM, chỉ trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, một lượng mưa lên tới 225.6mm đã trút xuống đây.
Theo ông Lê Đình Quyết, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên, đây là trận mưa thuộc hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, rất ít gặp.
Ông Quyết phân tích, tại Củ Chi, từ 4 giờ đến 9 giờ sáng 10/5, tổng lượng mưa lên tới 225.6mm, tức là cứ mỗi phút mưa xấp xỉ 0.6mm. Riêng từ 5h đến 6h30 sáng 10/5, tổng lượng 197.6mm, tức là trung bình mỗi phút có lượng mưa 4.94mm, và trong thời đoạn này liên tục mỗi 10 phút có lượng mưa trên 10mm.
“Đặc biệt từ 5h50 đến 6h có lượng mưa 41mm, tức là lượng mưa trong 10 phút bằng cả một ngày mưa thông thường hoặc một trận mưa kéo dài vài giờ”, ông Quyết nêu.

TPHCM hứng chịu mưa lớn kỷ lục vào sáng 10/5.
Ông Quyết cho biết, đây là trận mưa lớn nhất trong bảy năm qua nhưng là trận mưa lớn nhất từng ghi nhận được không phải xuất phát từ bão hay dải hội tụ nhiệt đới - những hình thái gây mưa cực đoan.
Trước đó, ngày 25/11/2018, TPHCM từng ghi nhận một trận mưa cực kỳ lớn do hoàn lưu của Bão USAGI gây ra, kéo dài nhiều với tổng lượng mưa lên tới 300 đến 400mm, gây ngập cực kỳ nghiêm trọng các quận huyện, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
Ông Quyết lý giải, thông thường mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, hoặc dải hội tụ nhiệt đới sẽ rất lớn, vì mưa kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí vài ngày.
“Nếu không tính các trận mưa gây ra bởi bão, dải hội tụ nhiệt đới thì trận mưa sáng sớm 10/5 là tại TPHCM là chưa từng xảy ra”, vị chuyên gia này nêu.
Ông cũng cho biết thêm, thông thường những trận mưa rất to, mang tính cực đoan có lượng trên 100mm chỉ xảy ra tại một vài điểm, tức là trong phạm vi hẹp, nhưng trận mưa sáng qua ở Nam Bộ diễn ra tại nhiều điểm, không chỉ ở TPHCM mà cả Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
Theo ghi nhận của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập sâu tại nhiều tuyến đường của TPHCM và Bình Dương. Riêng tại Bình Dương ghi nhận một trường hợp mất tích, nghi do bị nước cuốn trôi, nhiều ha hoa màu, đất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hai-ky-luc-trong-tran-mua-sang-105-o-tphcm-post1741209.tpo