Hải Lăng chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông xuân

Vụ đông xuân vốn được coi là vụ chủ lực trong sản xuất nông nghiệp về cả diện tích và năng suất. Tuy vậy, ảnh hưởng liên tiếp các đợt mưa lũ trong tháng 10/2020 đã gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng sản xuất khiến ngành nông nghiệp đứng trước nhiều khó khăn để triển khai vụ đông xuân 2020 - 2021. Là một trong những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Hải Lăng đã xây dựng kế hoạch khôi phục và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sau lũ, chuẩn bị các điều kiện để triển khai vụ mùa mới.

 Nông dân huyện Hải Lăng dọn dẹp diện tích đất ruộng bị bèo tây xâm lấn để chuẩn bị sản xuất - Ảnh: T.T

Nông dân huyện Hải Lăng dọn dẹp diện tích đất ruộng bị bèo tây xâm lấn để chuẩn bị sản xuất - Ảnh: T.T

Ảnh hưởng của các đợt lũ lụt vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Lăng. Đã có hơn 660 ha hoa màu, 202 ha sắn, 30 ha cây tiêu, 32 ha cây ăn quả và 1.293 tấn lúa bị hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra có hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, hơn 281 ha nuôi cá bị ngập. Công trình thủy lợi hồ chứa nước Khe Muồng tại xã Hải Chánh đang trong quá trình thi công chưa hoàn thành bị nước lũ cuốn trôi làm phần đất, đá bồi lấp diện tích 1 ha đất trồng lúa của người dân. Hơn 56 km đê bao vùng trũng, 79 trạm bơm điện và 631 km kênh tưới bị ngập trong nước, hư hỏng. Các tuyến đê Hải Trường, Hải Thành, Mai Lĩnh, đê Hải Trường - Hải Sơn, kênh tiêu thoát lũ Hải Trường, kênh tiêu thoát lũ Hải Ba - Hải Quế, kênh tiêu Diên Khánh, Hải Dương, cống điều tiết Xuân Lộc…. bị xói lở, hư hỏng.

Để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020 - 2021 sắp tới, huyện Hải Lăng tập trung huy động hỗ trợ nguồn giống phục vụ sản xuất, đảm bảo không để ruộng bị bỏ hoang do thiếu giống. Chỉ đạo gieo đảm bảo lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Các đơn vị có thể tổ chức gieo thành 2-3 trà để rải vụ nhưng thời gian mỗi trà phải tập trung nhanh gọn. Trước mắt huyện phát động người dân ra quân vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, diệt ốc bươu vàng, diệt trừ cây mai dương, làm sạch đồng ruộng. Kiểm tra các vườn cây ăn quả, cây lâu năm để xử lý, chằng chống, vun gốc các cây bị ảnh hưởng do lũ lụt. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kế hoạch diện tích gieo cấy, cơ cấu giống lúa của các HTX, tổ hợp tác làm cơ sở để phân bổ nguồn giống hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Xuân Viên, xã Hải Dương chia sẻ: “Hợp tác xã Xuân Viên có 192 thành viên, sản xuất trên diện tích khoảng 130 ha, từ trước đến nay các thành viên hợp tác xã chuyên sử dụng các loại giống lúa An sinh, TH5, HN6 vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới khi ngành nông nghiệp phân bổ nguồn giống hỗ trợ cho các địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của các đơn vị để có được năng suất và chất lượng cao”.

Với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển vùng huyện Hải Lăng (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới), vừa qua, hơn 1.100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Hải Trường, Hải Định, Hải Phong, Hải Dương, Hải Hưng và Hải Quy đã được nhận hỗ trợ 10 tấn giống lúa chuẩn bị cho vụ sản xuất sắp tới. Trong đợt này, xã Hải Dương được nhận hỗ trợ khoảng 5 tấn giống lúa. Trước đó, xã cũng đã nhận được 12,8 tấn giống lúa các đơn vị hỗ trợ, chủ yếu là các loại giống Khang dân, HT1 và HN6. Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết: “Với số lượng giống lúa được hỗ trợ, xã đã phân bổ về 5 hợp tác xã để các đơn vị kịp thời phân phối cho người dân. Hiện nay tại trên địa bàn xã vẫn còn nhiều khu vực ruộng nước chưa rút hoàn toàn, tuy nhiên địa phương cũng đã có phương án chuẩn bị giống lúa, vệ sinh đồng ruộng để triển khai vụ đông xuân trong thời gian tới”.

Về chuẩn bị cho chăn nuôi, huyện triển khai hướng dẫn các hộ dân vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, che chắn kín gió, tăng chất độn chuồng, tránh để gia súc, gia cầm ở nơi ẩm ướt. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, nước sạch cho vật nuôi, khôi phục diện tích đồng cỏ bị thiệt hại do mưa lụt và tăng cường trồng mới diện tích cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thô, xanh cho vật nuôi trong vụ đông xuân 2020 - 2021.

Đặc biệt, huyện Hải Lăng áp dụng chính sách hỗ trợ giống lúa đối với các đơn vị, cá nhân chưa nhận hỗ trợ từ các nguồn khác. Định mức hỗ trợ đối với giống lúa sản xuất vụ đông xuân là một lần mua giống lúa với mức 80kg/ha. Đối với chăn nuôi, từ các nguồn con giống được hỗ trợ của trung ương, tỉnh và các tổ chức khác, huyện sẽ xem xét cân đối để cung cấp cho các hộ chăn nuôi gà, ưu tiên các hộ bị thiết hại có quy mô từ 100 con/lứa/hộ trở lên, hộ gia đình khó khăn bị thiệt hại về chăn nuôi có nhu cầu tái đàn. Phương thức thực hiện thông qua UBND xã, thị trấn để hỗ trợ bằng tiền hoặc con giống đến các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện chính sách theo quy định. Chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực của huyện Hải Lăng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò đồng hành cùng người dân triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154195