Hải Lăng khẩn trương xử lý môi trường, phòng tránh dịch bệnh
Sau đợt lũ lụt lịch sử đi qua, người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng đang khẩn trương khắc phục hậu quả. Tuy nhiên do nằm ở vùng sâu trũng nên nguồn nước sinh hoạt đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao khiến người dân hết sức lo lắng. Trước tình hình này, ngành y tế từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Tại thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, sau khi nước lũ rút, người dân đã khẩn trương dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nhưng do lượng rác và xác động vật đổ về quá nhiều nên không thể xử lý hết một cách triệt để. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh ở đây rất cao. Anh Lê Viết Trình, Trưởng thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm cho biết: “Ngay sau khi nước rút, thôn đã vận động Nhân dân chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường tại gia đình và khu vực bị ô nhiễm, nhưng do lượng rác nhiều quá nên làm không kịp. Hiện nay xác động vật chết thì đã được xử lý bằng cách chôn lấp, riêng một số khu vực gần sông thì rác thải vẫn còn nhiều, đang tiếp tục được xử lý”. Một trong những mối lo lắng nhất lúc này của người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng do ngập sâu nhiều ngày. Đặc biệt, nhiều giếng nước của người dân ở đây còn bị sạt lở, rất nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Thiển, thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm cho biết thêm: “Từ trước đến nay gia đình chúng tôi sử dụng nguồn nước từ giếng đào của gia đình, tắm giặt thì dùng trực tiếp còn để ăn uống thì phải qua bể lọc. Nhưng nay giếng đã bị sạt lở nặng nên không sử dụng được”. Hiện nay hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hải Lăng đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Gia đình chị Lê Thị Nghĩa ở thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm là một trong số đó. Hơn 15 ngày nay, do sử dụng nguồn nước không đảm bảo nên cả 3 đứa con của chị Nghĩa đều bị mẩn ngứa và nổi ghẻ lở. Chị Nghĩa lo lắng nói: “Hiện nay nguồn nước ở đây không an toàn cho chúng tôi sử dụng. Người lớn thì vẫn có thể sử dụng để tắm giặt nhưng vẫn không đảm bảo. Còn trẻ nhỏ thì chúng tôi không cho sử dụng nước giếng tại nhà mà phải đi lấy nước cách nhà từ 2 đến 3 cây số để tắm rửa cho các cháu”.
Cũng như xã Hải Lâm, những ngày qua nhiều trạm y tế trên địa bàn huyện Hải Lăng đã tích cực tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân vệ sinh, xử lý môi trường, xử lý nguồn nước ngay sau khi nước rút để đề phòng bệnh tật có thể bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, những ngày qua huyện Hải Lăng đã tích cực chỉ đạo ngành y tế khẩn trương về các địa phương nhanh chóng khắc phục để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân. Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện cũng đã kịp thời cung ứng gần 1 tấn vôi bột, phèn chua, Cloramin B, Cloramin T cho các trạm y tế cơ sở để chủ động trong việc hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt và phòng chống dịch bệnh sau lũ.
Ông Lê Phước Nho, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế và các khoa của y tế dự phòng tăng cường bám sát địa bàn để cùng với chính quyền địa phương và người dân xử lý môi trường. Đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện các bệnh thường xảy ra trong mùa mưa lụt như nấm kẽ chân, mắt đỏ, tiêu chảy… để hướng dẫn cho người dân phòng chữa bệnh hiệu quả. Chúng tôi cũng đã cung ứng đầy đủ các loại thuốc y tế để đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn huyện trong mùa mưa lụt”.
Trên toàn huyện Hải Lăng hiện có hàng chục giếng nước của người dân bị ô nhiễm nặng, cần phải xử lý. Ông Nho cho biết thêm, từ ngày 20/10 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã huy động tối đa cán bộ y tế cấp phát hàng nghìn viên Cloramin B và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Hiện nay, cán bộ, nhân viên y tế từ huyện đến các xã, thị trấn tiếp tục về các địa phương để tuyên truyền vận động Nhân dân bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề xử lý nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152844