'Hải lang thang' và những mảnh đời bất hạnh
14 năm kể từ ngày khoác chiếc áo xanh công tác xã hội, 'Hải lang thang' cùng 'Đội đặc nhiệm' không quản ngày đêm, lễ, Tết để đem đến cơm ăn, áo mặc và sự bình yên cho không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh.
Tết đang đến gần. Hà Nội trời vẫn rét đậm. Đội Trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội tăng cường rà soát địa bàn, tập trung người lang thang về trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nguyễn Văn Hải là Đội trưởng “Đội đặc nhiệm” trực tiếp đưa những người lang thang, ăn xin về trung tâm nên nhiều công an, cán bộ, nhân viên khu danh lam thắng cảnh ... dí dỏm gọi và lưu danh bạ điện thoại bằng cái tên “Hải lang thang”.
Giúp được người là vui...
“30 Tết, khi các gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên và chuẩn bị mâm cúng Giao thừa, thì ngoài kia vẫn còn không ít những mảnh đời lang thang ngồi bó gối, nằm co ro nơi vỉa hè gầm cầu xó chợ. Với họ, có đồ ăn chỗ ngủ, đã là hạnh phúc lắm rồi còn ăn Tết ở nhà bên mâm cơm Tết cổ truyền là một giấc mơ ...
Mỗi khi giúp đỡ, đưa được những mảnh đời lang thang về Trung tâm ăn Tết tôi lại trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề”- Hải mở đầu câu chuyện.
Ngừng một lúc để quan sát bà cụ chống gậy tập tễnh bước trên hè phố, rồi Hải bảo nhớ mãi đêm 30 Tết năm ngoái, tại ngã tư phố Lý Thường Kiệt - Hàng Bài, 3 mẹ con chị Vũ Thị H quê ở Nam Định lang thang ở đấy. Chị H bị chồng đánh, mỗi khi chồng say rượu là đuổi 3 mẹ con đi, vì thế, mặc dù không muốn nhưng gần Tết rồi chị vẫn phải đưa 2 con (con trai 12 tuổi, con gái 5 tuổi) từ Nam Định lên Hà Nội.
Ở Hà Nội chị không người thân thích, không chỗ bấu víu nên chỉ biết đưa các cháu ra vỉa hè, khu vực ngã ba, ngã tư… để chờ đồ từ các đoàn từ thiện và tiền từ các người qua đường. Hai cháu nhỏ phải nghỉ học, thèm được đến lớp vô cùng, nhưng thương mẹ, không thể xa mẹ, mẹ ở đâu con ở đấy.
Hải đã mời và đưa 3 mẹ con về Trung tâm ăn Tết. Tại Trung tâm, 3 mẹ con chị H đã có nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng, được đón Tết cùng bà con trong Trung tâm với những mâm cỗ cổ truyền, được các nhân viên công tác xã hội tư vấn tâm lý, tìm biện pháp hỗ trợ. Chia sẻ câu chuyện này, Hải không giấu được những giọt nước mắt.
Một lần dưới cái nắng nóng 38- 40 độ C, len lỏi giữa dòng xe cộ tấp nập đang dừng đèn đỏ là một bà cụ lưng khom khom, trên tay chìa chiếc rổ nhỏ, ngước nhìn mọi người bằng ánh mắt đầy thương cảm, gật đầu cảm ơn khi được một ai cho tiền vào rổ. Hết đèn đỏ, là bà cụ ngồi nghỉ trên vỉa hè, đưa tay áo lau những dòng mồ hôi trên mặt. Đến nhịp chờ đèn đỏ tiếp theo, bà cụ lại lật đật đứng lên đi xin ...
Hải cùng 2 người nhẹ nhàng tiếp cận bà cụ, hỏi thăm và mời cụ lên xe về Trung tâm. Bà cụ vừa đi lên xe vừa nói, tiếng nói của cụ xen lẫn tiếng nấc, mồ hôi hòa cùng những giọt nước mắt: “bà khổ lắm các chú ơi”. Hải vừa đỡ cụ lên xe vừa động viên xoa dịu cụ nỗi cơ cực của một cụ già tuổi bà nội mình.
“Run vẫn làm...”
Những người già, em nhỏ hay những chiếc xe đẩy người khuyết tật xin ăn, xin tiền… không phải là khó thấy ở Hà Nội. Phía sau không ít hình ảnh thương tâm ấy là một mạng lưới tinh vi của những kẻ bảo kê chăn dắt. Khi tư vấn, nhiều người khuyết tật bảo rằng họ được đối tượng bảo kê thuê nhà trọ, nuôi ăn, chuẩn bị sẵn các thứ, thậm chí là cả loa phát nhạc.
Hàng ngày, nhóm bảo kê có phép họ đến các khu vực chợ dân sinh, ngã ba, ngã tư để bán hàng và xin tiền. Chính vì vậy, việc tập trung những người lang thang xin ăn không hề dễ dàng. Để tập trung được 1 đối tượng, anh em trong đội “đặc nhiệm” đối mặt rất nhiều khó khăn. Nếu không có bản lĩnh thì không thể làm được.
Hải bảo nhiều lần trong lúc tiến hành tập trung người lang thang xin tiền người của đội đã bị các đối tượng bảo kê uy hiếp, dùng gậy, búa, thậm chí cả dao tấn công, thách thức, gây áp lực nhằm cản trở công việc. Để đề phòng các đối tượng bảo kê này rất khó vì bọn họ ở trong bóng tối còn anh em “Đội đặc nhiệm” ngày đêm vẫn phải đi kiểm tra rà soát khắp các địa bàn.
Còn với những người lang thang không muốn bị đưa về trung tâm hay có “chiêu trò” phản kháng như: ăn vạ, đập đầu xuống đất, đe dọa, cắn, cấu xé… là chuyện “cơm bữa”. Trong thời gian qua, có tới 6 người trong đội bị đối tượng cắn. Các đối tượng này có thể mang trong mình rất nhiều bệnh. Quá trình tiếp xúc với họ, nguy cơ lây nhiễm các bệnh như lao phổi, HIV, AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác rất cao.
Khi chúng tôi hỏi, vậy có sợ không? Hải cười rồi bảo: “Run chứ! Nhưng run vẫn làm”. Hải vừa xem điện thoại vừa nói: “ Công nghệ thông tin kết nối, không chỉ giúp chúng tôi nhanh thấy người lang thang đang ở đâu để chọn đường đưa họ về nhanh nhất mà còn giúp bao người lang thang tìm được người thân”.
“Vợ mình ngày xưa cũng khó chịu, cằn nhằn ghê lắm, vì trăm ngàn lý do khác nhau, nào là càng dịp lễ, Tết thì lại càng phải đi đêm hôm sớm tối, không có cái Tết nào dành trọn vẹn cho vợ con, hay là hồi con còn bé, đang đêm ngủ, anh em điện thoại báo về thông tin người lang thang cần xử lý làm em bé giật mình tỉnh giấc, khóc. Dần dần vợ mới hiểu, mới thông cảm" - Hải chia sẻ.
Suốt 14 năm kể từ ngày khoác chiếc áo xanh công tác xã hội, “Hải lang thang” chung tay xây dựng và phát triển Đội trật tự xã hội trở thành “Đội đặc nhiệm” giải cứu người lang thang. Họ làm ngày làm đêm kể cả thứ bảy, chủ Nhật, ngày lễ, Tết để sẵn sàng tiếp nhận người lang thang do các xã, phường, thị trấn, khu di tích, danh lam thắng cảnh tập trung rồi đưa về Trung tâm quản lý, chăm sóc.
Năm 2022, đội đã tập trung và tiếp nhận 398 đối tượng, năm 2023 là 504 đối tượng lang thang. “Đội đặc nhiệm” giúp Thủ đô sạch bóng người lang thang ăn xin làm mất mỹ quan đô thị trong mắt người dân và bạn bè quốc tế. Công việc này không chỉ giúp người lang thang vượt khó khăn mà còn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nơi không người lang thang nào bị bỏ lại phía sau.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hai-lang-thang-va-nhung-manh-doi-bat-hanh-post181117.html