Hải Lăng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp

Từ khi được quy hoạch là huyện có diện tích lớn nằm trong vùng lõi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Hải Lăng phát triển bằng hai thế mạnh nông nghiệp bền vững và kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển công nghiệp. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông LÊ ĐỨC THỊNH, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng về nội dung trên.

- Thưa ông! Vùng lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với nhiều dự án công nghiệp nằm gần trọn các xã đồng bằng ven biển của huyện Hải Lăng. Trong khi các dự án đang được đầu tư giai đoạn đầu, chưa có sản phẩm, đề nghị ông cho biết về chiến lược của huyện trong thời gian này được đề ra như thế nào cho phù hợp?

-Huyện Hải Lăng có 6 xã vùng cát ven biển nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (KKT), gồm Hải Ba, Hải Hưng, Hải Quế, Hải Dương, Hải An và Hải Khê. Hiện có 11 dự án ở KKT nằm trên địa bàn của huyện, trong đó có 1 dự án đã khánh thành, đi vào hoạt động, là Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam. Có 2 dự án được triển khai xây dựng sắp hoàn thành là Khu tái định cư Hải An và Khu tái định cư Hải Khê. 3 dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang làm thủ tục triển khai xây dựng, gồm: Nhà máy Inox và thép hợp kim; Khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao; Nhà máy xử lý nước sạch Khu kinh tế Đông Nam.

Có 3 dự án đang triển khai thực hiện công tác GPMB gồm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị; Khu bến cảng Mỹ Thủy; Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam. Ngoài ra còn có 2 dự án chưa hợp đồng GPMB gồm: Khu văn phòng làm việc và nhà ở chuyên gia KKT; Nhà máy sản xuất phôi nhôm từ phế liệu.

Đứng trước cơ hội phát triển đó, để giải bài toán phát huy thế mạnh nông nghiệp như vốn có, chiến lược của huyện trong thời gian tới được xác định như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch thu hút đầu tư phát triển KKT; tiếp nhận cơ hội và thách thức như một sự tự nhiên của quy luật phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân các xã trong vùng quy hoạch. Phối hợp triển khai thực hiện thật tốt theo tiến độ, lộ trình đầu tư xây dựng KKT để làm động lực, đầu tàu thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và huyện nói riêng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã xác định.

Trong khi các dự án đầu tư công nghiệp vào địa bàn đang ở giai đoạn đầu, chưa có sản phẩm, huyện Hải Lăng tiếp tục phát triển nông nghiệp, xem nông nghiệp vẫn là thế mạnh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các cây trồng, con nuôi có lợi thế, phát triển kinh tế tổng hợp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; phát triển mạnh các đặc sản địa phương gắn với việc đăng ký thương hiệu, hình thành các sản phẩm OCOP.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Tập trung chỉ đạo phát triển 2 xã biển Hải An và Hải Khê trở thành khu vực năng động của tỉnh, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chỉ đạo các xã trong vùng quy hoạch và xã phụ cận điều chỉnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển nông thôn mới một cách hợp lý, nhằm khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp gắn với tiến trình xây dựng và đi vào hoạt động của KKT về trước mắt cũng như lâu dài.

Hình thành các “vành đai xanh” nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái. Đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động nông nghiệp hiện có trên địa bàn huyện, ưu tiên các xã trong vùng quy hoạch KKT đảm bảo có năng lực, kỹ thuật, kỹ năng tham gia vào từng lĩnh vực, công đoạn trong các hoạt động sản xuất của các dự án được thu hút vào KKT.

 Trường mầm non tại Khu tái định cư xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vừa xây dựng hoàn thành - Ảnh: TÚ LINH

Trường mầm non tại Khu tái định cư xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vừa xây dựng hoàn thành - Ảnh: TÚ LINH

- Trong câu chuyện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, phần địa bàn của huyện, khâu quan trọng là cần có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà đầu tư. Ông có thể cho biết về kết quả công tác GPMB của huyện để phục vụ các dự án đầu tư đến nay như thế nào?

- Như đã nói ở phần đầu, Hải Lăng có 6 xã vùng cát ven biển nằm trong KKT, được xác định là trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh với nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn đang triển khai, khởi công, thi công xây dựng. Công tác GPMB vì thế càng đặc biệt quan trọng bởi đây là phần công việc có tính quyết định đến tiến độ của dự án. Do đó, để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới, huyện đặt quyết tâm cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở để chung tay, góp sức, đồng hành với nhà đầu tư thực hiện thắng lợi công tác GPMB. Nhằm kịp thời phục vụ công tác GPMB, Huyện ủy Hải Lăng đã có Nghị quyết 04 “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng”.

Trong những năm qua, công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, sự đồng lòng của người dân, huyện đã thành lập các Ban chỉ đạo GPMB, Hội đồng GPMB và Tổ giúp việc hội đồng, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ, GPMB, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.

Việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân về lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cho 106 công trình đi vào hoạt động. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội của huyện; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, đại bộ phận người dân đồng thuận cao, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác GPMB, một số nhà đầu tư chậm phối hợp để tiến hành hợp đồng thực hiện công tác GPMB hoặc gia hạn hợp đồng và bố trí kinh phí để thực hiện GPMB như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1; Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1; Dự án Tuyến kênh nắn dòng và đường vào tuyến kênh nắn dòng. Hoặc chủ đầu tư các dự án chưa tiến hành thi công xây dựng sau khi dự án đã hoàn thành công tác GPMB gây dư luận không tốt trong Nhân dân như: Nhà máy cấu kiện bê tông cảng Mỹ Thủy, Nhà máy xử lý nước sạch KKT, Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim.

- Thưa ông, kế hoạch di dân tái định cư để phục vụ các dự án trên địa bàn của huyện từ năm 2020 đến 2025 được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng có 3 dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 tại xã Hải Khê; Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 tại xã Hải An và dự án Khu công nghiệp Quảng Trị tại xã Hải Trường và thị trấn Diên Sanh nên người dân trong vùng ảnh hưởng của ba dự án này cần phải di dời tái định cư đến nơi ở mới. Trong đó có 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 tại xã Hải Khê và dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 đã được cấp thẩm quyền giao UBND huyện Hải Lăng làm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư tập trung tại xã Hải An và xã Hải Khê với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, đảm bảo nơi ở mới của người dân phải di dời được tốt hơn trước đó. Đến nay, khu tái định cư Hải Khê đã cơ bản hoàn thành, khu tái định cư Hải An đang được đầu tư giai đoạn 2.

Đối với Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư này đang được Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh triển khai. Để chủ động trong việc phối hợp với nhà đầu tư khi dự án triển khai, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vùng dự án phối hợp với BQL dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện và nhà đầu tư thống kê sơ bộ các số liệu để phục vụ công tác GPMB, tái định cư gửi UBND tỉnh.Thời gian dự kiến thực hiện công tác GPMB của dự án từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2022.

- Xin cảm ơn ông!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159759&title=hai-lang-thuc-hien-tot-cong-tac-giai-phong-mat-bang-thu-hut-dau-tu-va-phat-trien-nong-nghiep