Hai lo ngại lớn trước ngày 'bình thường mới'
Khi các địa phương còn quản lý kinh tế với tư duy 'pháo đài' thì dù TP.HCM chuyển trạng thái sang 'bình thường mới' sẽ vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Thiếu lao động, đứt gãy liên kết nguyên liệu, logistic... là 2 lo ngại lớn nhất.
Lo ngại thiếu hụt lao động
“Tôi chỉ hoạt động cầm chừng vì thợ cắt tóc về quê gần hết”, chủ tiệm cắt tóc Paris Hair Salon (quận 4) chia sẻ, mặc dù kế hoạch “từng bước nới lỏng” của TP.HCM cho phép dịch vụ cắt tóc được hoạt động tối đa 50% công suất. 11/14 thợ cắt tóc của tiệm đã về quê tránh dịch và chưa biết sẽ quay lại TP bằng cách nào. Trong khi đó, chủ tiệm không thể tuyển nhân viên mới lúc này vì như vậy đồng nghĩa tuyên bố đuổi việc, cắt đứt nguồn mưu sinh của những thợ cắt tóc đang ở quê nhà. Điều lo lắng của chủ tiệm tóc này không phải đơn lẻ.
Tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, DN muốn tái lập hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vận chuyển không được, logistic không hoạt động hay người lao động không di chuyển được sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM - cùng chung nỗi lo về nguồn nhân lực. Ông nhận định, ngành gỗ có khả năng thiếu hụt 60-70% lao động. Do vậy, lao động ở những tỉnh lân cận TP.HCM đã được tiêm vắc xin, cần có quy chế phối hợp giúp họ đi lại, có sự thống nhất về khu vực chứ không phải từng địa phương đơn lẻ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TP.HCM chỉ ra, số lao động làm việc tại các DN công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ. Các ngành có chỉ số lao động giảm so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống giảm 44,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 32,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 31,3%...
Đừng để đứt gãy kéo dài
Khó khăn cho việc bổ sung nguồn nhân công từ các địa phương chỉ là một trong các yếu tố minh chứng liên kết vùng đứt gãy. Thực tế cho thấy, giãn cách thời gian dài đã bẻ gãy liên kết giữa TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chuỗi cung ứng bị giãn đoạn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của DN.
Đại diện Công ty Nhựa Bình Minh thông tin thêm, DN không làm sao vận chuyển vật tư đi được giữa các địa phương, chỗ nào cũng ngăn sông, cấm chợ, trong khi TP.HCM lại đang khóa chặt.
“Tính liên kết vùng nếu không mở ra được thì các DN không có cách nào phục hồi sản xuất. Đề nghị TP.HCM và Chính phủ cần nhất quán, không thể để chúng tôi đi đến nửa đường thì bị ngăn cản và phải quay về. Như vậy, làm sao khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh lại được”, TGĐ Công ty nhựa nói.
Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định, luân chuyển giao thông phải gắn kết giữa các địa phương chứ không thể trong nội địa một tỉnh. Sản phẩm hoàn thành đi xuyên qua nhiều địa phương, từ địa phương sản xuất đến địa phương xuất khẩu hoặc từ chỗ sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nếu không có sự nhất quán sẽ dẫn đến bế tắc.
TS.Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT), nhận định, việc thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các tỉnh, thành là rất quan trọng trong đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất. TP.HCM sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp cùng các nỗ lực mở cửa.
Ông Hiệp phân tích, có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương, nhưng cần xác định các ngành sản xuất dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương, sự thông suốt liên tỉnh và biện pháp nhất quán từ trung ương. Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn đáp ứng mới với đại dịch.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, đang không có sự kết nối giữa 13 tỉnh ĐBSCL. Thực thể kinh tế này không có biên giới hành chính nào cả trong khi đang bị quản lý theo biên giới hành chính. Tư duy quản lý theo địa giới chính là điều ách trở.
Theo ông Hoan, mỗi xã, phường là một pháo đài nhưng là pháo đài phòng, chống dịch chứ không phải pháo đài kinh tế. Kinh tế cần sự vận hành liền mạch trong suốt 13 tỉnh.
“Địa giới hành chính mang tính chất quản lý nhà nước, xã hội chứ không phải quản lý kinh tế ngay cả trong điều kiện bình thường chứ không phải dịch bệnh. Cần tư duy lại một chút thôi thì câu chuyện có thể đã đỡ đi phần nào”, Bộ trưởng Hoan nêu quan điểm.
TS. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT) chia 3 nhóm lĩnh vực cần ưu tiên khi mở cửa:
- Về phương diện an sinh xã hội, các chợ đầu mối, siêu thị, dịch vụ logistics giao nhận, dịch vụ y tế, công nghệ thông tin phục vụ việc học và làm việc ở nhà, hành chính công nên được ưu tiên. Những lĩnh vực này ảnh hưởng lớn đến sự ổn định xã hội, an sinh của người dân. Người dân sẽ khó đồng hành với các nỗ lực của Chính phủ trong phòng chống dịch nếu nhu cầu căn bản về ăn uống, khám chữa bệnh, làm việc và học hành bị gián đoạn.
- Về mặt ổn định công ăn việc làm, cần mở lại cách ngành sản xuất, KCN đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế. Các khối ngành này cần được ưu tiên nhằm không gây gián đoạn nghiêm trọng thêm, khi người lao động bỏ về quê, chuỗi cung ứng bị đỗ vỡ thì việc quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
- Về phương diện mức độ lây lan dịch bệnh, các lĩnh vực ít có nguyên cơ lây nhiễm như thương mại điện tử, công ty công nghệ, shipper công nghệ, thể dục và du lịch ngoài trời, tắm biển nên cho mở trước.
Việc mở cửa phụ thuộc vào 3 nhóm điều kiện chính: kiểm soát dịch bệnh, điều kiện kinh tế và ý thức cộng đồng.