Hai loại hình nghệ thuật H'Mông Yên Bái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghệ thuật khèn và hoa văn sáp ong trên vải của người Mông, Yên Bái.
Tối 23/12, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Khèn Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023.
Trước đó, vào tháng 6/2023, nghệ thuật Khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trình diễn dân gian Khèn
Khèn (tiếng Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông.
Khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người nam giới dân tộc Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như: Gỗ, sặt, nứa. Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.
Có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Mông đã hình thành nên cây khèn và nghệ thuật khèn để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất, giao tiếp với nhau cũng như giao tiếp với thế giới khác, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Mông.
Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.
Tiếng khèn luôn hiện hữu trong cuộc sống, là nỗi lòng riêng tư sâu thẳm muốn trao gửi cho nhau trong các dịp hội hè, lễ tết, xuống chợ hoặc sẻ chia nỗi đau buồn, mất mát với những người khi phải tiễn đưa người thân của mình về thế giới bên kia đi gặp tổ tiên để đến hôm nay khèn vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là ý chí của người Mông tỉnh Yên Bái.
Anh Giàng A Cáng (nghệ nhân múa khèn xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Bản thân tôi rất tự hào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi cũng như gia đình thường xuyên múa khèn vào các dịp lễ hội và truyền dạy cho con cháu để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp này”.
Sáp ong hoa văn là tri thức dân gian
Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người.
Các mẫu hoa văn trang trí phản ánh nhiều mặt của đời sống văn hóa cổ truyền. Từ những mẫu hình cụ thể được tạo ra trên vải lanh đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nghệ thuật trang trí, nghệ thuật tạo hình chung của cộng đồng người Mông. Về cơ bản nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông được thể hiện trên trang phục nữ, trang phục trẻ em nữ (áo và váy), địu, gối, chăn, các loại túi, balo, khăn trải bàn, rèm cửa, tranh.
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái là kết tinh của một hệ thống tri thức dân gian độc đáo, phản ánh quá trình lịch sử, những cái nhìn sinh động về thế giới quan, về môi trường sống qua lăng kính của những người "họa sĩ bản làng", khắc họa trên những sản phẩm vật chất độc đáo, đặc trưng không chỉ phục vụ nhu cầu của chính cộng đồng tộc người mà còn là sản phẩm được ưa chuộng đối với các cộng đồng khác trên đất nước Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Để có được các nguyên liệu phục vụ cho quá trình tạo hình hoa văn trên vải, người Mông phải tạo ra sợi lanh, dệt thành tấm vải, tạo ra sáp ong và các loại bút vẽ, chảo nấu sáp…
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu sa, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ. Di sản hội tụ những giá trị đặc sắc như giá trị lịch sử, giá trị văn hóa - xã hội, giá trị khoa học, giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ.
Mỗi điệu khèn, mỗi nét hoa văn được đồng bào dân tộc Mông tạo ra trên vải thể hiện những triết lý sống cao đẹp, sự sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Nếu như Khèn là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông thì Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Mông, mang giá trị tinh thần.
Chị Khang Thị Sú Vận (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho hay: "Tôi rất vui và tự hào về nghề truyền thống của gia đình, nay được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật sáp ong vẽ trên vải là công việc người phụ nữ Mông ai cũng phải học từ khi còn 15 tuổi. Những đường sáp ong vẽ trên vải là một nghệ thuật được chúng tôi sáng tạo hàng ngày".