Hai 'mảng màu' đối lập trong bức tranh lợi nhuận ngành dệt may
Sau giai đoạn khó khăn, ngành dệt may Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ; đơn hàng tăng trưởng, doanh nghiệp báo lãi khả quan, mở ra triển vọng tích cực cho ngành công nghiệp này…

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đà phục hồi mạnh mẽ của đơn hàng từ quý 3/2024 đã giúp các doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả khả quan trong năm nay.
VƯỢT BÃO
Đứng đầu danh sách những doanh nghiệp tăng trưởng cao trong năm 2024 là Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP (mã chứng khoán: MNB) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.650 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 128 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - mã chứng khoán: VGT) cũng khép lại năm 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng khi mang về hơn 17.360 tỷ đồng doanh thu, tăng 5% so với năm ngoái. Theo đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 685 tỷ đồng, tăng mạnh 73% so với thực hiện năm 2023.
Tương tự, lũy kế cả năm 2024, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) đạt doanh thu thuần hơn 3.810 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023 và ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 278 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2023 và xấp xỉ mức đỉnh lịch sử hồi năm 2022.

Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG) cho biết doanh thu thuần và lãi sau thuế trong năm 2024 lần lượt đạt 9.753 tỷ đồng và 362 tỷ đồng, tăng trưởng 13% và 90%.
Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã chứng khoán: HTG) ghi nhận doanh thu 5.103 tỷ đồng và lãi sau thuế 283 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 63% so với năm 2024.
Riêng quý 4/2024, công ty đạt lãi ròng hơn 92 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2023, chỉ đứng sau mức lãi kỷ lục 99 tỷ đồng trong quý 4/2021.
Dệt may Hòa Thọ lý giải mức tăng trưởng mạnh trong quý 4/2024 đến từ sự hồi phục của ngành dệt may, đơn hàng ổn định hơn, giá bán sợi cải thiện và các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả. Công ty cũng tăng cường đầu tư tài chính ngắn hạn để tối ưu dòng tiền và lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) trong năm 2024 đạt doanh thu kỷ lục 7.736 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023 và thực hiện được 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 42% lên mức mức 316 tỷ đồng.
Trong quý 4/2024, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, đạt 170 tỷ đồng, tương ứng tăng 109% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2024, công ty báo doanh thu đạt 5.280 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.
Khoản lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gần 80% đạt xấp xỉ 440 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt gần 410 tỷ đồng, con số này giúp May Sông Hồng trở thành “quán quân” lợi nhuận toàn ngành trong năm 2024 (xét trên quy mô công ty mẹ).
VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Dưới bức tranh tươi sáng của ngành vẫn tồn tại những “mảng tối” khi một số doanh nghiệp tiếp tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Điểm chung của họ là phải đối mặt với những thách thức lớn từ thị trường, bao gồm biến động tỷ giá, chi phí nguyên vật liệu leo thang và yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng lẫn tính bền vững.
Dù ghi nhận doanh thu trên ngàn tỷ đồng trong năm 2024, Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định (mã chứng khoán: NDT) và Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex - mã chứng khoán: HSM) vẫn chưa thể thoát lỗ, với khoản lỗ ròng lần lượt 89 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Dù mức lỗ đã thu hẹp so với năm trước, nhưng gánh nặng lỗ lũy kế vẫn chất chồng, lần lượt vượt 193 tỷ đồng và 169 tỷ đồng.
Nặng nề nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - mã chứng khoán: FTM), khi doanh nghiệp này lỗ tới 127 tỷ đồng trong năm, kéo dài chuỗi thua lỗ liên tục sang năm thứ sáu. Đến cuối 2024, lỗ lũy kế của FTM đã chạm mốc 1.216 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 710 tỷ đồng.
Bất ngờ hơn, Công ty Cổ phần Everpia (mã chứng khoán: EVE) lần đầu tiên báo lỗ trong lịch sử, với khoản lỗ 31,5 tỷ đồng do chi phí marketing, vận hành showroom và khấu hao nhà máy mới gia tăng, cộng thêm việc thu hẹp mảng kinh doanh khăn.
Một cái tên đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) – từng là biểu tượng của ngành may mặc TP.HCM nhưng nay lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, một phần do hệ lụy từ vụ kiện giữa đối tác Gilimex và Amazon.
Ba năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, riêng năm 2024, GMC báo lỗ 18 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ đạt 857 triệu đồng – giảm đến 90% so với năm trước, tương đương doanh thu vỏn vẹn 2,3 triệu đồng/ngày. Đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của GMC đã vượt 92 tỷ đồng, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 23,5 tỷ đồng.
Do đã ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính trên một năm, cổ phiếu GMC bị HOSE hủy niêm yết bắt buộc và chuyển sang UPCoM từ tháng 2/2025, nhưng ngay sau đó đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Các doanh nghiệp sản xuất xơ sợi – mắt xích thượng nguồn trong chuỗi giá trị dệt may cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Một số đơn vị đã lấy lại đà tăng trưởng hoặc thu hẹp đáng kể khoản lỗ.
Tổng Công ty Việt Thắng (mã chứng khoán: TVT) ghi nhận kết quả tích cực với 24 tỷ đồng lợi nhuận, gấp đôi năm 2023. Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (mã chứng khoán: PPH) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 366 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 17%.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chung niềm vui. Một số công ty xơ sợi vẫn loay hoay với bài toán lợi nhuận đi xuống. Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK) chứng kiến lãi ròng năm 2024 lao dốc 48%, chỉ còn gần 46 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 8 năm. Dù thoát lỗ trong nửa đầu năm nhờ hoàn nhập tỷ giá, thực tế STK chỉ có lãi từ quý 3. Nguyên nhân thua lỗ trước đó đến từ doanh số sụt giảm và chi phí ngưng máy tăng cao. Sang quý 4, lãi ròng của STK tiếp tục giảm mạnh 47% so với cùng kỳ và 78% so với quý trước, chỉ còn 18 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Damsan (mã chứng khoán: ADS) ghi nhận mức lãi kỷ lục 33 tỷ đồng trong quý 4 nhờ chuyển nhượng quyền thuê hạ tầng. Tuy nhiên, tính chung cả năm, lợi nhuận vẫn giảm 18%, xuống còn 51 tỷ đồng.
TRIỂN VỌNG TƯƠI SÁNG
Trong báo cáo ngành dệt may mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng rằng số lượng đơn hàng năm 2025 sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu dệt may trọng điểm của Việt Nam phục hồi nhẹ và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ thời trang lớn trên thế giới vào cuối năm 2024 đang ở mức hợp lý, dự địa bổ sung hàng tồn kho mới trong tương lai vẫn còn.
Bước sang năm 2025, KBSV cho rằng ngoài những kỳ vọng về nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm phục hồi, ngành dệt may còn được hưởng lợi từ câu chuyện giành thêm đơn hàng từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Với chính sách thuế mới của tổng thống Donald Trump, KBSV nhận định rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ bị tác động 2 chiều. Tác động tích cực đó là Việt Nam có khả năng giành thêm được đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nhờ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác. Tác động tiêu cực là giá bán xuất khẩu hàng dệt may có khả năng giảm bởi mức thuế xuất khẩu sang Mỹ tăng.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định xuất khẩu dệt may có thể duy trì tăng trưởng dương nhưng với tốc độ chậm lại trong nửa đầu năm 2025, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa hoàn toàn phục hồi.
Bên cạnh đó, chính sách thuế mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tạo ra cả cơ hội và rủi ro, khi Việt Nam có thể giành thêm đơn hàng từ Trung Quốc nhưng giá bán xuất khẩu có nguy cơ giảm do mức thuế mới.
Nhìn chung, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một năm tăng trưởng ổn định cho ngành dệt may, với điều kiện doanh nghiệp có chiến lược linh hoạt để thích ứng với biến động thị trường.
Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đánh giá, năm 2024, tăng trưởng quy mô toàn cầu đối với ngành dệt may không có sự chuyển biến, tăng trưởng rõ nét, nhưng Việt Nam tăng trưởng nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Ngành sợi chưa có sự tăng trưởng hay đột phá về đơn hàng, nhưng với ngành may lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn năm 2024.
"Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến quý 1/2025 và đang đàm phán đơn hàng cho quý 2/2025. Đơn hàng không phải là vấn đề đáng quan ngại lắm trong năm tới, nhưng đơn giá sẽ không tăng so với năm 2024”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhận định.