Hai mảnh đời, một số phận
Nét xuân xanh hiện rõ trên gương mặt trái xoan và nụ cười tuy không tươi tắn như thời trẻ nhưng vẫn in đậm sự duyên dáng năm nào. Khi quá khứ trở về chị mừng vui nhắc về một thời hào hùng mà gian nan, kiên cường mà quyết liệt vào giai đoạn làm 'lính của Bà Thao' trên đường Trường Sơn.
Người con gái tâm thần ngoài bốn mươi tuổi của chị đứng sau lưng mẹ, nghe ngóng… nhưng chắc chắn không hiểu được gì. Thỉnh thoảng cô ấy lại nở nụ cười vô hồn. Vậy mà có lần khi cơn đau nổi lên, Thanh Tâm đấm mạnh vào mắt của mẹ vừa mới mổ ở bệnh viện về. Thấy mẹ ôm mặt đau đớn nước mắt chảy ròng ròng, Thanh Tâm cười sằng sặc. Khi cơn đau dịu xuống, cô gái ngồi một góc nhìn mẹ, ân hận, đau khổ.
Chị Trần Thị Vân (tên thường gọi Sáu Nữa) nhớ lại giai đoạn hào hùng làm công tác vận tải trên chiến trường Quân khu 5. Khi từ thanh niên xung phong đươc chính thức chuyển qua Tiểu đoàn 232, Tiểu đoàn Trưởng là chị Phạm Thị Thao, một nữ tướng kiên cường, dũng cảm nức tiếng ở Trường Sơn năm nào. Quê ở Quế Phú, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chị Vân có thân hình nhỏ nhắn, cái lưng thon gọn vậy mà có lúc cõng, có lúc gùi trên lưng sáu, bảy chục ký từ vũ khí, đạn dược đến lương thực, thuốc men, thực phẩm, thương binh… đó là chuyện nhỏ. Những khi hàng tiếp tế từ miền Bắc đem vào cần khẩn trương về điểm tập kết thì chị mang trên lưng hơn một tạ là chuyện thường. Chị lại ôm đầu nhăn nhó, mấy ngón tay cứ miết riết trên trán… Khi bớt đau chị nghẹn ngào nói về mẹ mình là bà mẹ Việt Nam anh Hùng, một em ruột và ba cậu ruột là liệt sĩ. Vì vậy chị sẵn sàng lao vào chiến trường Trường Sơn.
Chị Vân và còn gái tâm thần Nguyễn Thị Thanh Tâm.
Khi kể về nhiều trường hợp có những chị em mất xác không được hưởng quyền lợi chế độ nào. Như chị Trần Thị Lâm, người cùng quê lúc gùi hàng đi bằng sợi dây bắt ngang con suối, nước gầm gào chảy xiết bên dưới. Chị Lâm đã rớt xuống nơi sâu nhất. Trước khi chìm trong lòng suối với gùi hàng nặng trĩu trên vai, chị Lâm đưa tay lên chào đồng đội với nụ cười nở trên môi, trong khi chị em còn ở bên đây đầu dây khóc nức nở. Bây giờ kể lại chị cũng khóc…
Thoát ly từ năm 1966, năm nay chị đã 75 tuổi, cầm tinh Đinh Hợi. Chị lại bóp trán ôm đầu nhăn nhó khi kể về những thiếu thốn vất vả ở Trường Sơn. Khó ai tưởng tượng một năm mỗi người chỉ được phát hai bộ đồ. Mặc từ khô tới ướt, từ ướt tới khô cho dù nam hay nữ. Nhưng nam còn đỡ, nữ thì mỗi tháng có những ngày tế nhị, vẫn cứ thế mà xử lý. Dòng sông, con suối là nơi cho các chị thả trôi những điều tế nhị đó, màu nước đỏ lòm như chở theo từng mạch đời hơi thở của Tiểu đoàn “lính Bà Thao” một trăm phần trăm là nữ.
Đất nước hoàn toàn giải phóng, những cơn đau thể xác làm rã rời trong cơ thể. Một cơn tai biến nặng làm máu không lên kịp não, tim trở nặng, hiện nay biến chứng tiểu đường làm hai quả thận của chị có vấn đề nghiêm trọng. Lương chính sách vài triệu bạc một tháng lấy tiền đâu để lọc thận, cái ăn còn khó, đạm bạc qua ngày, lại thêm đứa con gái cũng bệnh tật do bị di chứng từ mẹ. Chính quyền địa phương làm chế độ cho Thanh Tâm mỗi tháng được phụ cấp 1,5 triệu đồng, nhưng chủ yếu cũng đắp vào thuốc men. Lần thứ ba, tôi chứng kiến chị Vân ôm đầu thổn thức “Tôi sợ mình không sống được lâu dài để tiếp tục lo cho con”.
Khi gặp Tâm ngoài chợ Nghị Đức, huyện Tánh Linh, cô gái tâm thần nhìn tôi cười cười, dìa nón lá, xòe tay xin tiền.
Tôi tâm đắc nhất câu nói của chị Vân “Làm sao cho lớp trẻ hôm nay thấu hiểu giá trị sự hy sinh của bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Quê hương đất nước càng phát triển các em cháu cần nên biết về lịch sử nhiều hơn”.
Mọi đóng góp trực tiếp xin gửi về gia đình chị Trần Thị Vân, thôn 2, Nghị Đức, Tánh Linh, Bình Thuận. Số điện thoại: 0364559453 hoặc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền Thanh Tánh Linh, Bình Thuận.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hai-manh-doi-mot-so-phan-110167.html