Hai 'mạnh thường quân' hào phóng nhất Tam quốc ít được nhắc đến
My Trúc và Lỗ Túc là những người có xuất thân giàu có, tính tình hào phóng nên đã không tiếc, dốc gia sản để giúp đỡ Lưu Bị và Chu Du.
My Trúc dốc toàn bộ gia sản giúp Lưu Bị
My Trúc (?-221) tự Tử Trọng, là một mưu sĩ dưới trướng của Lưu Bị, trước đó ông phục vụ dưới trướng của Từ Châu Mục Đào Khiêm. Ông cũng là anh rể của Lưu Bị, em gái ông My phu nhân là vợ của Lưu Bị. Ông có một người em trai là My Phương, một tướng quân và cũng là bộ hạ của Lưu Bị.
My Trúc xuất thân là một phú thương, gia sản bạc triệu, thuộc hạ mấy ngàn, tài sản nhiều không đếm xuể. Mặc dù sở hữu khối gia tài kếch xù, nhưng nhân vật họ My này không hề kênh kiệu, đối nhân xử thế hết sức chính trực, sở hữu khí chất ung dung, văn nhã.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, My Trúc xuất hiện lần đầu ở hồi 11, trước khi đi theo Lưu Bị, My Trúc từng là thủ hạ dưới trướng Từ Châu Mục Đào Khiêm. Lúc sắp qua đời, Đào Khiêm có nhắn nhủ My Trúc đi nghênh đón Lưu Bị.
Cũng kể từ đó, My Trúc cùng em trai là My Phương đi theo Lưu Bị, dốc lòng phò tá cho vị quân chủ này.
Có lần Tào Tháo cũng từng muốn chiêu mộ huynh đệ nhà họ My, nhưng bị cự tuyệt.
Trong những năm tháng Lưu Bị Nam chính Bắc chiến để gây dựng cơ đồ, My Trúc và em trai của mình đã dành cho Lưu Bị sự trợ giúp và ủng hộ rất lớn.
Việc My Trúc trở thành người được Lưu Bị coi trọng nhất lại bắt nguồn từ một hành động nghĩa hiệp của nhân vật này.
Năm 196, Lưu Bị cùng Viên Thiệu ở vào thế tranh đấu giằng co không ngừng. Nhân cơ hội ấy, Lã Bố thừa cơ đánh lén Hạ Bì, bắt giữ phu nhân của Lưu Bị.
Đối với lần gặp nạn ấy, Lưu Bị vốn chẳng chút phòng bị, lương thảo không còn lại bao nhiêu, vì thế chỉ có thể án binh bất động mà đóng quân ở Quảng Lăng.
My Trúc đã dốc toàn bộ gia sản giúp chiêu binh mua ngựa, đồng thời gả em gái cho Lưu Bị. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của ông, quân đội của Lưu Bị mau chóng hồi phục.
Có câu cùng hưởng phúc thì dễ, chung hoạn nạn mới khó, My Trúc có thể tận tình giúp đỡ Lưu Bị vào lúc nguy nan, có thể coi là rất mực trung thành.
Cũng nhờ lần viện trợ ấy, My Trúc trở thành người có sức nặng nhất trong lòng Lưu Bị.
Năm 214, Lưu Bị chiếm Ích Châu. Sau đó, ông phong My Trúc làm An Hán tướng quân. Trong tập đoàn chính trị Thục Hán, địa vị của vị tướng họ My này còn "trên phân" cả quân sư Gia Cát Lượng.
Năm 219 khi đại tướng Lã Mông của Đông Ngô chiếm được Kinh Châu, My Phương đã đầu hàng quân Ngô, dẫn tới sự kiện Quan Vũ bỏ mạng.
Vì thế sau khi hay tin Quan Vũ vì em trai mình mà chết, My Trúc đã lập tức tự trói và đến chỗ của Lưu Bị để xin định tội. Thấy My Trúc áy náy như vậy, Lưu Bị không những không trách phạt mà vẫn tiếp tục tín nhiệm, trọng dụng ông như lúc đầu.
Năm 221, My Trúc cùng Gia Cát Lượng liên hiệp dâng lời cầu Lưu Bị đăng cơ. Cùng năm, My Trúc vẫn vì chuyện My Phương phản bội mà hổ thẹn sinh bệnh, không lâu sau qua đời
Lỗ Túc tặng một nửa vựa lúa của mình cho Chu Du
Lỗ Túc (172 - 217), tên tự là Tử Kính, là một chính trị gia, tướng lĩnh quân sự và nhà ngoại giao phục vụ dưới trướng Tôn Quyền vào cuối thời Đông Hán ở lịch sử Trung Quốc.
Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Lỗ Túc là người Đông Thành, Lâm Hoài (ngày nay là Định Viễn, tỉnh An Huy), xuất thân trong một gia đình hào môn và rất có ảnh hưởng mặc dù trong họ tộc của ông không ai ra làm quan cả. Cha ông qua đời không bao lâu sau khi ông ra đời, và ông lớn lên trong sự bảo bọc của bà nội ông và mẹ.
Khi Đổng Trác nổi lên chiếm đoạt đại quyền triều đình và làm lũng đoạn việc triều chính, Lỗ Túc đã bán hết gia sản của mình và dùng số tiền đó để giúp đỡ những người trong dòng tộc và cùng quê, đồng thời cũng dành thời gian để kết giao với giới nhân sỹ để mở rộng quan hệ.
Trong thời gian Chu Du ở Cư Sào, ông nghe tiếng Lỗ Túc ở Đông Thành giàu có phóng khoáng, hay đem tiền của chia cho người nghèo và thích kết giao danh sĩ, bèn đến chỗ Lỗ Túc mượn lương thảo. Nhà Lỗ Túc có 2 vựa lúa lớn, liền đem 1 vựa tặng luôn cho Chu Du. Du rất khâm phục, hai người kết bạn với nhau.
Ít lâu sau, Viên Thuật mời Lỗ Túc ra làm quan huyện Đông Thành, nhưng Lỗ Túc cũng tìm cách từ chối, rồi dẫn cả nhà hàng trăm người đi đến Cư Sào gặp Chu Du. Sau đó, cả hai đưa gia quyến cùng rời Cư Sào, vượt sông về Ngô quận theo Tôn Sách.
Tuy nhiên, Lỗ Túc phục vụ dưới trướng Tôn Sách được một khoảng thời gian nhưng không hề được giao cho trọng trách. Sau khi Tôn Sách qua đời, Chu Du đã tiến cử ông với Tôn Quyền, em trai và cũng là người kế vị Tôn Sách. Ngay trong lần đầu tiên gặp mặt, Tôn Quyền đã rất ấn tượng với Lỗ Túc và rất tôn trọng ông, ngay sau đó ông đã từ chối hết tất cả khách được mời đến dự tiệc, chỉ giữ lại mỗi Lỗ Túc. Tôn Quyền đã mời Lỗ Túc đến ngồi cạnh ông và cả hai đã cùng đàm đạo về việc thiên hạ và thưởng rượu.
Kể từ đó, bộ ba Lỗ Túc, Chu Du, Trương Chiêu là những nhân vật có tiếng nói quyết định trong việc phò trợ, phụ chính, định hướng cho sự phát triển thế lực Tôn gia.
Khi Chu Du lâm trọng bệnh và mất vào năm 210, Lỗ Túc lên thay ông ấy đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao trong quân đội của Tôn Quyền.
Năm 217, Lỗ Túc ngã bệnh và qua đời ở tuổi 45. Tôn Quyền rất đau buồn và dự lễ tang của ông. Gia Cát Lượng cũng thể hiện lòng thương tiếc đến Lỗ Túc.
Quốc Tiệp (t/h)