Hai mặt của gia đình sinh con một

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với áp lực về tài chính, công việc và tinh thần, các cặp vợ chồng trẻ thường trì hoãn việc có con, hoặc chỉ sinh một con.

Làm con một áp lực rất nhiều đối với đứa trẻ. Ảnh: PHONG NHÃ

Làm con một áp lực rất nhiều đối với đứa trẻ. Ảnh: PHONG NHÃ

Những đứa trẻ là con một có nhiều ưu điểm vượt trội, song cũng có những nỗi khổ riêng mà ít ai biết.

Được yêu chiều hết mực

Nếu vợ chồng chỉ có một con thì đứa trẻ này thường được cha mẹ, ông bà cưng chiều, chăm lo từ nhỏ. Nhờ vậy, đứa trẻ có điều kiện phát triển về mọi mặt.

Theo chị Bùi Phương Oanh (TX Đông Hòa), vì kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị quyết định sinh một con. May mắn là con trai chị hiểu chuyện, biết nghe lời, chịu khó học tập. “Để nuôi dạy quý tử trong thời đại hiện nay thật không dễ dàng. Ngoài việc dành tình thương, chúng tôi phải dạy con tự chăm sóc bản thân và luôn theo sát để giúp con biết cái nào nên hay không nên làm”, chị Oanh chia sẻ.

Đến hơn 40 tuổi, chị Nguyễn Hải Yến (xã An Phú, TP Tuy Hòa) mới sinh được một cô con gái xinh xắn nên mọi tình thương đều dành cho quý nữ. “Do có con muộn nên vợ chồng tôi, nhất là ông xã rất cưng chiều con. Nhiều lúc tôi cũng thấy lo lắm, sợ con trông chờ, ỷ lại thì mình sẽ rất buồn”, chị Yến tâm sự.

Theo các chuyên gia tâm lý, đứa trẻ là con một có rất nhiều ưu điểm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ là con duy nhất trong gia đình thường có trí thông minh cao hơn những đứa trẻ có anh chị em. Nguyên nhân là do gia đình chỉ có một con nên cha mẹ thường chú ý đến trẻ nhiều hơn, họ dồn hết tiền bạc và công sức để đầu tư cho trẻ. Trẻ ý thức được giá trị của bản thân ngay từ thời thơ ấu bởi không bị “núp bóng” anh chị của mình mà lớn lên. Trẻ không có anh chị em thường độc lập hơn những đứa trẻ khác bởi phải tự giải quyết mọi thứ. Một trong những lợi ích lớn nhất của việc sinh con một chính là trong gia đình sẽ không có sự ganh đua giữa anh chị em.

Ở một nghiên cứu khác cho thấy, sinh con một cũng có rất nhiều bất lợi. Đó là trẻ luôn coi mình là trung tâm của mọi thứ vì đã quen có được tất cả những gì mình muốn và không cần chia sẻ với bất cứ ai. Cô đơn là điều phổ biến nhất mà những đứa trẻ con một gặp phải. Là con duy nhất, trẻ sẽ rất nhạy cảm bởi vì chỉ có một mình, trẻ không chỉ nhận được tất cả tình yêu thương mà còn cả những chỉ trích và phê bình từ cha mẹ. Không có ai để trẻ chia sẻ cảm xúc của mình khiến trẻ trở nên nhạy cảm. Trẻ có thể trở nên bướng bỉnh và luôn đòi hỏi cha mẹ phải đáp ứng các yêu cầu của mình. Vì vậy, cha mẹ cần dành cho trẻ tình yêu và sự quan tâm đúng đắn để không làm hư trẻ.

Gánh trách nhiệm nặng nề khi lớn lên

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ con một được cha mẹ yêu chiều lúc bé, nhưng gánh trách nhiệm nặng nề khi lớn lên.

Vì là con một nên anh Nguyễn Tấn Khang (phường 9, TP Tuy Hòa) phải từ bỏ ước mơ là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội để về quê mở lớp dạy kèm tại nhà. “Sau 2 năm ra trường tôi có việc làm tại Thủ đô Hà Nội, nhưng cha mẹ kiên quyết gọi về với lý do tôi phải lấy vợ người quê nhà và không được đi làm xa vì không ai chăm lo cho cha mẹ khi về già. Tôi đành ngậm ngùi”, anh Khang tâm sự.

Hay như anh Phạm Nguyễn Anh Tài (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), vừa là con một vừa là cháu đích tôn nên trách nhiệm càng lớn lao hơn khi ở tuổi 35 vẫn chưa lập gia đình. Đặc biệt, từ lúc cha anh bị bệnh thì khát khao có cháu càng mãnh liệt hơn, sự hối thúc càng dồn dập. “Tôi thực sự căng thẳng, đầy áp lực. Trước đây cha mẹ tôi thường nói, bao nhiêu tài sản làm ra đều dành cho con nên sau này con phải có trách nhiệm với cha mẹ. Bây giờ tôi mới thấm thía và thấy trách nhiệm thật nặng nề”, anh Tài chia sẻ.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, đứa trẻ là con một được cha mẹ dồn tất cả tình yêu, nhưng kỳ vọng của gia đình lên đứa trẻ đó cũng rất cao. “Trong văn hóa Việt Nam, trách nhiệm chung của những đứa con là hiếu thảo với cha mẹ, thờ phụng tổ tiên, học hành giỏi giang... Gia đình khá giả còn đỡ, nếu sinh ra trong gia đình nghèo, đứa con một còn phải vật lộn để thoát nghèo và chăm sóc cha mẹ ốm đau”, bà Hồng chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy, là con một trong gia đình, những quý nam, quý nữ thường bị áp lực: Làm thế nào kiếm được một công việc thật tốt ở các thành phố lớn để vừa nở mày nở mặt vừa có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ, hoặc phải bỏ phố về quê để chọn công việc gần nhà và lập gia đình theo ý bậc sinh thành. Hay họ bị tâm lý phải sinh thật nhiều con để con không phải sống một mình như mình... Do đó, theo các chuyên gia về gia đình, khi quyết định sinh con một, cha mẹ nên dạy trẻ tầm quan trọng của việc chia sẻ với mọi người và dành nhiều thời gian để ở bên cạnh con. Bởi là con một, trẻ cần cha mẹ chú ý và ở bên cạnh nhiều hơn. Đặc biệt, đừng làm hư trẻ bằng cách chiều chuộng quá mức; dạy trẻ cách xử lý mỗi khi gặp thất bại hoặc cảm thấy thất vọng về điều gì đó; phải biết sống khiêm nhường và tử tế. Và hãy nhớ rằng, cha mẹ đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của con.

Việc ngày càng nhiều người sinh ít không phải là sự ích kỷ mà do áp lực xã hội, áp lực kinh tế họ phải chịu. Phụ nữ hiện đại vừa phải làm việc vừa phải chăm con. Nếu không được chồng chia sẻ việc nhà, họ cũng sẽ ngại sinh. Để hạn chế các gia đình chỉ sinh một con, các nhà làm chính sách cần xây dựng chính sách xã hội hợp lý: xây dựng cơ sở vật chất công chất lượng hơn, giá rẻ hơn, đầu tư cho trẻ em. Ngoài ra, trong các gia đình, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con phải bình đẳng.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

PHONG NHÃ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321587/hai-mat-cua-gia-dinh-sinh-con-mot.html