Hai mươi dự án vốn hơn chục tỷ USD 'đổ' vào Đông Nam Bộ
Tại Hội nghị vùng Đông Nam Bộ vừa diễn ra, đã có 20 dự án, tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch... được trao chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác.
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ công bố Thỏa thuận hợp tác và trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với các đối tác, nhà đầu tư, với tổng số 20 dự án, tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng; thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch...
Cụ thể, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận các biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác và thư bày tỏ quan tâm tài trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Jica) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Hà Nội. Quy mô số vốn tại các biên bản, thư bày tỏ này lên đến 4,2 tỷ USD.
Các dự án tại tỉnh, thành gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 10 dự án, Tp.HCM 4 dự án, tỉnh Bình Dương 2 dự án, tỉnh Bình Phước 2 dự án, tỉnh Tây Ninh 1 dự án và Đồng Nai 1 dự án.
Bà Rịa - Vũng Tàu có 10 dự án gồm: công ty TNHH SMC Châu Đức với dự án Nhà máy sản xuất ống thép và các loại sản phẩm cơ khí sau thép, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, tương đương 92 triệu USD; Công ty Cổ phần Tổng hợp thế giới Xanh với dự án khách sạn căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Odyssey, tổng mức đầu tư là 2.489,6 tỷ đồng tương đương 99,6 triệu USD; công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina đầu tư dự án nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngâm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), tổng vốn đầu tư là 250 triệu USD.
Công ty The Siam Cement Public Company Limited với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2-Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD; công ty Earth Vision với dự án Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD. Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging với dự án đầu tư mở rộng nhà máy giấy Marubeni có tổng mức đầu tư 380 triệu USD; dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.
Công ty Waizu Giken với dự án trung tâm kho cảng, bồn bể hóa chất và tiện ích khí gas có tổng mức đầu tư khoảng 230 triệu USD; đầu tư mở rộng dự án nhà máy sản xuất bia từ năm 2023 tại Bà Rịa - Vũng Tàu của công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam có tổng mức đầu tư khoảng 142 triệu USD; Dự án đầu tư cơ sở lưu trú cho người lao động trong Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 của công ty Cổ phần Thanh Bình - Phú Mỹ với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng.
Bình Phước, có hai dự án về sản xuất vật liệu xây dựng với tổng mức đầu tư 30,47 triệu USD.
Bình Dương có dự án về ngành nghề như chế tạo trang sức và nữ trang với tổng mức đầu tư 163 triệu USD; trao biên bản ghi nhớ dự án khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ của Tập đoàn Trường Hải với tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Tây Ninh có một dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức là 220 triệu USD.
Đồng Nai có dự án sản xuất nilon với tổng mức đầu tư là 125 triệu USD.
Tp.HCM có biên bản ghi nhớ và hợp tác đầu tư cho nhà đầu tư dự án về trang sức, mỹ phẩm với tổng mức 23,2 triệu USD; một dự án về tư vấn quản lý bất động sản có tổng mức dự kiến hơn 23 triệu USD. Cùng đó là dự án về tư vấn quản lý của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15 triệu USD; dự án về xuất nhập khẩu, phân phối và buôn bán đồ trang sức với tổng mức đầu tư dự kiến 10 triệu USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kêu gọi đầu tư 6 dự án hạ tầng lớn. Đó là dự án đường vành đai 4 Tp.HCM đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai có tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 17.791 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Đây là dự án được chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với mục tiêu từng bước khép kín đường Vành đai 4 Tp.HCM. Dự án kết nối với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; kết nối với các tuyến giao thông khu vực gồm cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 15…và kết nối với tuyến đường sắt quốc gia.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được ưu tiên kêu gọi đầu tư với mục tiêu kết nối vùng, liên vùng cảng Cái Mép - Thị Vải với các khu vực sản xuất tại Đồng Nai - Bình Dương - Tp.HCM - Long An, thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Dự án dự kiến vốn đầu tư khoảng 7.772 tỷ đồng với 18,3km có điểm đầu tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tại Bàu Cạn (Đồng Nai), hiện hoàn thiện các thủ tục dự án tiền khả thi trình Chính phủ.
Tỉnh Bình Phước có 2 dự án là đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành, quy mô đầu tư dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng. Dự án này được hưởng các chính sách về ưu đãi thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi khác.
Dự án thứ 2 là các Khu công nghiệp Đông Nam Đông Phú, quy hoạch 8 KCN khoảng 3.930ha. Trong mỗi khu công nghiệp bố trí quỹ đất từ 15 đến 20 ha để xây dựng "công trình dịch vụ, tiện ích công cộng" cho người lao động. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án này được hưởng các chính sách thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi khác.
Tỉnh Đồng Nai có 2 dự án cũng được ưu tiên kêu gọi đầu tư. Trong đó, dự án Đô thị Hiệp Hòa với diện tích 293ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 72.000 tỷ đồng.
Dự án thứ hai ở Đồng Nai là Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu; được kêu gọi ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP. Dự án dự kiến cần sử dụng 12ha đất, với tổng vốn đầu tư hơn 2.286 tỷ đồng.