Hai năm hút bóng cười, thanh niên 17 tuổi bị liệt
Phần lớn bệnh nhân đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trong tình trạng tê bì chân tay, liệt nhẹ vận động hoặc nặng hơn thì liệt toàn thân.
Bệnh nhân ngộ độc bóng cười đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Hầu như tháng nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhập các ca ngộ độc bóng cười, nhẹ thì tê bì chân tay, nặng thì liệt toàn thân.
Nhập viện điều trị gần một tuần, N.H.A. (SN 2004, Hà Nội) đã nhúc nhắc được chân tay, nhưng vẫn đang tiếp tục được theo dõi và truyền thuốc.
Mới 17 tuổi nhưng A. đã có hai năm sử dụng bóng cười. Theo chia sẻ của A., em thường cùng nhóm bạn rủ nhau hút bóng cười, tùy thời điểm, lúc thì một tuần khi thì một tháng 1 lần. Mỗi lần như vậy, cả hội chung nhau mua một bình khí cười trên mạng với giá khoảng 1,5 triệu đồng, số bóng chia đều khoảng 10 quả/người.
“Lần cuối em dùng bóng cười cũng cách đây khoảng 5 tháng, tuy nhiên khoảng một tuần trước, bỗng tay chân em xuất hiện tình trạng tê bì, không thể điều khiển được. Vào Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ cho biết đây là hệ lụy do bóng cười gây ra”, A. kể.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm tiếp nhận khoảng 5 - 7 ca ngộ độc bóng cười/tháng. Phần lớn, bệnh nhân đến viện trong tình trạng tê bì chân tay, liệt nhẹ vận động hoặc nặng hơn thì liệt toàn thân. Thậm chí, có ca liệt cơ thở, dẫn đến suy hô hấp và ảnh hưởng đến chức năng sống…
“Điều đáng nói, các bệnh nhân ngoài dùng bóng cười còn dùng kết hợp nhiều loại ma túy khác. Tác hại do khí cười (N2O) gây ra là làm tổn thương tủy sống, nặng nề nhất là gây tổn thương tủy sống cổ. Cũng vì những hệ lụy do N2O gây ra rất nặng nề nên ở nhiều quốc gia đã cấm sử dụng loại khí cười này. Ví như ở Anh coi đây là một loại ma túy, còn ở Mỹ cấm triệt để dùng cho vui chơi, giải trí”, ông Nguyên cho hay.
N2O là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công thương cấp phép sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác.
Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2020, có 17 doanh nghiệp nhập khẩu N2O với tổng khối lượng khoảng 2.400 tấn. Trong đó, 11 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, 5 doanh nghiệp khai báo nhập khẩu mục đích sử dụng trong sản xuất, 1 doanh nghiệp nhập khẩu không có giấy phép.
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí cười trong mọi lĩnh vực KT-XH; xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia để nghiên cứu đưa N2O vào danh mục các chất hướng thần; đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để cấm sử dụng N2O cho các mục đích vui chơi, giải trí bất hợp pháp.