Hai năm nữa, người Trái Đất 'chạm đến' hành tinh thứ 9?

Hệ Mặt Trời có thể một lần nữa sở hữu hành tinh thứ 9 nhờ sự tham gia của một 'chiến binh' mới từ Chile.

Trong bài phỏng vấn mới đây với Live Science, một số nhà thiên văn học lập luận rằng chỉ vài năm nữa - có thể là chỉ 2 năm - người Trái Đất sẽ có thể tìm thấy hành tinh thứ 9 đang ẩn mình ở quỹ đạo bên ngoài hành tinh lùn Sao Diêm Vương.

Giấc mơ này có thể sẽ được chạm tới bởi Đài quan sát Vera C. Rubin, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động năm 2025.

Hành tinh thứ 9 ẩn nấp trong vùng tăm tối ở gần rìa hệ Mặt Trời - Ảnh AI: ANH THƯ

Hành tinh thứ 9 ẩn nấp trong vùng tăm tối ở gần rìa hệ Mặt Trời - Ảnh AI: ANH THƯ

Nhà thiên văn học Mike Brown từ Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ), người đã đề xuất giả thuyết hành tinh thứ 9 cùng với một đồng nghiệp, nói: “Thật khó để giải thích một hệ Mặt Trời không có hành tinh thứ 9. Nhưng không có cách nào chắc chắn 100% cho đến khi bạn nhìn thấy nó”.

Phát biểu này ngụ ý đến giả thuyết về hành tinh thứ 9 đang ngày một được ủng hộ bởi các bằng chứng gián tiếp.

Hành tinh thứ 9 ở đây không phải Sao Diêm Vương, hành tinh thứ 9 cũ từng bị Liên đoàn Thiên văn quốc tế (IAU) giáng cấp năm 2006. Mà đó là một hành tinh khổng lồ ở nơi còn xa hơn Sao Diêm Vương rất nhiều, có thể mất tới 10.000-20.000 năm để quay quanh Mặt Trời.

Chưa ai quan sát được hành tinh này nhưng các nhà thiên văn tin rằng nó hiện diện bởi lẽ đã nhiều nhóm nghiên cứu tìm thấy "bóng ma" của nó.

Đó là những chuyển động bất thường của các vật thể ở bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương. Đôi khi, một số vật thể trông như bị một lực vô hình kéo, đẩy, khiến chúng không hoạt động ổn định trên quỹ đạo của mình.

Kịch bản được ủng hộ hàng đầu là có một hành tinh rất lớn, sức hấp dẫn cực mạnh, đang ẩn nấp trong vùng tối ở gần rìa hệ Mặt Trời, đã âm thầm tương tác lên các vật thể đó.

Các vật thể hứng chịu tác động đó là Sedna – một hành tinh lùn tiềm năng nằm ngoài Vành đai Kuiper, tiểu hành tinh 2012 VP113 và cả một số thế giới khác nữa.

Kể từ năm 206, TS Brown, cộng sự của ông và cả một số nhóm khác đã xác định được 16 vật thể hứng chịu tác động của hành tinh thứ 9 giả thuyết.

Theo TS Brown, nó phải là hành tinh có khối lượng lớn thứ 5 trong hệ sao của chúng ta, sau Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương. Nó có khả năng mang thành phần giống Sao Hải Vương nhất.

Nhà thiên văn học Alessandro Morbidelli từ Đài thiên văn Côte d'Azur ở Pháp cũng nói với Live Science trong một e-mail rằng "rất có khả năng" hành tinh thứ 9 tồn tại.

TS David Rabinowitz, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Yale, cũng cho rằng sự tồn tại của hành tinh bí ẩn này là lời giải thích hợp lý nhất cho các vật thể lệch tâm mà họ tìm thấy bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương.

TS Sean Raymond từ Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Bordeaux ở Pháp, nói với Live Science qua e-mail rằng ông tin 90% về sự tồn tại hành tinh thứ 9.

TS Brown và cộng sự đã bắt đầu phân tích dữ liệu từ Kính thiên văn Subaru của Nhật Bản ở Hawaii, nơi được cho là có lợi thế quan sát nhất hiện nay.

Nhưng nếu cuộc khảo sát này không hoàn thành công việc, họ sẽ chuyển sang sử dụng Đài quan sát Vera C. Rubin đang được xây dựng ở Chile.

TS Brown cho biết với sự hỗ trợ của kính viễn vọng hiện đại này, hành tinh thứ 9 có thể được tìm thấy trong vòng 2 năm tới.

Được trang bị máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới, Đài thiên văn Vera C. Rubin sắp ra mắt ở Chile được kỳ vọng sẽ chụp những bức ảnh bầu trời đêm mang tính cách mạng hóa thiên văn học.

Hệ thống quan sát trị giá 473 triệu USD này có nhiệm vụ đầu tiên là phòng thủ Trái Đất - tức phát hiện sớm các tiểu hành tinh đe dọa.

Tiếp theo, nó được giao nhiệm vụ xác định các sao chổi giữa các vì sao chưa được nhìn thấy, các ngôi sao trôi nổi tự do và các hành tinh thất bại. Ngoài ra, nó sẽ đi tìm hành tinh thứ 9.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-nam-nua-nguoi-trai-dat-cham-den-hanh-tinh-thu-9-196240616082515745.htm