Hai người nguy kịch do bị rắn hổ mang cắn

Một người ngừng tuần hoàn dẫn đến tổn thương não, nguy cơ tử vong cao.

Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Vi Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết trường hợp đầu tiên là bệnh nhân L.V.L., nam, 45 tuổi, trú tại Canh Nậu, Yên Thế, Bắc Giang.

Ngày 19/4, ông L. bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón thứ 3 của bàn tay trái. Sau đó, bệnh nhân tự đắp thuốc và được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng bàn tay thâm tím, ngón thứ 3 phù nề, chảy máu.

Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và tiến triển tốt.

 Liên tiếp 2 trường hợp bị rắn hổ mang cắn, một người nguy kịch. Ảnh: Thenewyorktimes.

Liên tiếp 2 trường hợp bị rắn hổ mang cắn, một người nguy kịch. Ảnh: Thenewyorktimes.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.V.C., nam, 30 tuổi, trú tại Đồng Tiến, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn vào cổ chân phải ngày 4/4. Sau đó, ông C. có triệu chứng khó thở và được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Yên Thế (Bắc Giang).

Bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn nên được các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và có nhịp tim trở lại trước khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Tại đây, ông C. được mở nội khí quản, chăm sóc vết thương và điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, bác sĩ Hương cho biết tình hình bệnh nhân vẫn rất nặng.

"Việc điều trị sắp tới rất nan giải. Bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn dẫn đến tổn thương não và có nguy cơ tử vong", Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc chia sẻ.

Vị chuyên gia này khuyến cáo miền Bắc Việt Nam bắt đầu vào mùa hè, số lượng bệnh nhân bị rắn cắn cũng có dấu hiệu tăng lên. Nhiều trường hợp nhập viện muộn khiến vết sưng nề, hoại tử lan rộng, gây khó khăn trong điều trị, nguy hiểm tới tính mạng.

Do đó, trong trường hợp có nạn nhân bị rắn cắn, bác sĩ Hương khuyên người xung quanh cần sơ cứu bằng cách cố định chân tay cho nạn nhân nhưng không được hạn chế máu lưu thông. Ngoài ra, chúng ta cần nới lỏng quần áo ở vùng vết thương cho nạn nhân, hạn chế nọc độc xâm nhập từ vết cắn vào cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Quốc Toàn - Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-nguoi-nguy-kich-do-bi-ran-ho-mang-can-post1206712.html