Vốn của doanh nghiệp mới ngày càng 'teo tóp'
Quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 8 tháng đầu năm nay tiếp tục giảm, chỉ đạt gần 9 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước đón 110.764 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, quy mô vốn của doanh nghiệp mới ngày càng nhỏ.
Theo đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tám tháng năm 2024 đạt 2.014.006 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 9,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của 8 tháng các năm trong giai đoạn 2019-2023 (12,2 tỷ đồng).
“Chỉ tiêu này hai năm gần đây giảm lần lượt từ 15 tỷ đồng về dưới 10 tỷ đồng và 8 tháng năm 2024 ghi nhận mức giảm về 9 tỷ đồng, phản ánh tâm lý thận trọng hơn về kế hoạch đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”- đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.
Theo một chuyên gia kinh tế, quy mô vốn giảm cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp sau các năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như sự thận trọng trong đầu tư kinh doanh. “Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục tăng lên. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo, vì thường những doanh nghiệp này có sức chống chịu với khó khăn của nền kinh tế, tính cạnh tranh không cao”- vị chuyên gia nói.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 102.575 doanh nghiệp (chiếm 92,6%, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với 83.980 doanh nghiệp, chiếm 75,82% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,53% so với năm ngoái.
Thống kê cho thấy, có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,66%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 10,19%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 12,08%; Vận tải kho bãi tăng 15,48%; Thông tin và truyền thông tăng 7,66%; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,24%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 10,62%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 2,12%.
Phân theo khu vực, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ với 47.570 doanh nghiệp, chiếm 42,9% và vùng Đồng bằng Sông Hồng với 33.892 doanh nghiệp, chiếm 30,6%.
Các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… là những nơi có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất. Đây cũng là những địa phương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhất tại Việt Nam.
Cùng với việc gia tăng các doanh nghiệp thành lập mới, 8 tháng năm 2024, cả nước cũng có 57.312 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, trung bình mỗi tháng có 7.164 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Đây là tín hiệu hồi phục tích cực cho thấy các chính sách của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang dần phát huy hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/von-cua-doanh-nghiep-moi-ngay-cang-teo-top-post589833.antd