Hai nhà máy thép thiệt hại nặng sau khi bị dừng hoạt động

Hiện nay, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng của Công ty đều xuống cấp nghiêm trọng, gần như phế liệu...trong lúc nợ vay ngân hàng bị xếp vào nợ xấu nhóm 5.

Liên quan đến hoạt động của hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana – Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Báo điện tử Tổ Quốc đã có nhiều bài phản ánh thời gian qua), ngày 30/9, đại diện Công ty cổ phần thép Dana – Ý cho biết đã nhận được văn bản của UBND TP Đà Nẵng về việc xử lý kiến nghị của công ty này và Công ty cổ phần thép Dana – Úc.

Theo chính quyền Đà Nẵng, về việc bố trí cho Công ty cổ phần thép Dana – Ý thuê khu đất tại đường số 3 KCN Hòa Khánh để di dời phân xưởng cán thép (không luyện) vào hoạt động, UBND TP Đà Nẵng giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện bố trí đất cho doanh nghiệp theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và đã được Thường trực Thành ủy thống nhất.

Nhà máy thép Dana - Ý đã ngưng hoạt động khoảng 1 năm nay.

Nhà máy thép Dana - Ý đã ngưng hoạt động khoảng 1 năm nay.

Về kiến nghị của Công ty cổ phần thép Dana – Ý đề nghị chuyển đổi một phần diện tích đất thành đất ở (6,2ha/15ha tại đường Nguyễn Tất Thành), UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét kỹ các yếu tố đảm bảo theo quy hoạch chung của thành phố.

Về kiến nghị của Công ty cổ phần thép Dana – Úc đề nghị quy hoạch lại phần đất 4,3ha (thuộc phần đất dự trữ mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Vinh phía Tây nhà máy) thành khu đô thị, UBND TP Đà Nẵng cơ bản thống nhất theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý phần diện tích chồng lấn, giao Sở này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định.

Về kiến nghị khoanh nợ, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng chủ trì, làm việc với các ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo thẩm quyền. UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và các đơn vị liên quan trả lời cho doanh nghiệp về kiến nghị hỗ trợ lãi suất cho vay và hỗ trợ kinh phí di dời nhà máy.

...toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị phụ trợ đều xuống cấp nghiêm trọng, gần như phế liệu.

...toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị phụ trợ đều xuống cấp nghiêm trọng, gần như phế liệu.

Theo một lãnh đạo Công ty cổ phần thép Dana – Ý cho biết, sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường của UBND TP Đà Nẵng, mặc dù phía Công ty không đồng ý với lý do bị xử phạt, song Công ty vẫn tuân thủ pháp luật, chấp hành dừng hoạt động sản xuất.

"Tuy nhiên, UBND TP vẫn ban hành công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm triển khai Quyết định bằng cách niêm phong thiết bị tại Công ty. Theo đó, ngày 26/12/2018, đoàn liên ngành do Sở TN-MT chịu trách nhiệm chính đã triển khai thực hiện niêm phong thiết bị (chủ yếu là thiết bị cấp nguồn điện) tại Công ty. Từ đó đến nay, toàn bộ dây chuyền thiết bị máy móc bị dừng hoàn toàn (kể cả công tác vận hành không tải để bảo dưỡng thiết bị cũng hoàn toàn không thể). Hiện nay, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng của Công ty đều xuống cấp nghiêm trọng, gần như phế liệu", vị lãnh đạo này cho biết và nói Công ty gần như bế tắc tất cả: từ nhân lực, nguồn vốn, máy móc thiết bị và cả công tác triển khai các dự án mới theo chủ trương của thành phố.

Vị lãnh đạo Công ty cổ phần thép Dana – Ý cho biết thêm, Công ty đã ngưng hoạt động hơn 1 năm; toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị phụ trợ đều xuống cấp nghiêm trọng, gần như phế liệu. Nợ vay ngân hàng bị xếp vào nợ xấu nhóm 5. Áp lực bị mất vốn từ phía cổ đông cũng là một vấn đề lớn đối với Công ty hiện nay và còn nhiều, rất nhiều khó khăn phía trước.

"Mặc dù vừa qua, UBND TP và cả Ban cán sự Đảng, HĐND cũng có xem xét, đề nghị các Sở ngành liên quan hỗ trợ Công ty giải quyết một số khó khăn về tình hình nợ xấu, cho phép chủ trương di dời hoạt động cán thép về lại KCN Hòa Khánh; song Công ty vẫn chưa thể tiến hành. Bởi nguồn vốn ở đâu để Công ty thực hiện di dời? Nợ xấu đã khiến cho các ngân hàng không thể tiếp tục cho vay; nguồn vốn của công ty gần như bị mất hoàn toàn trong thời gian ngưng hoạt động. Do đó, trong điều kiện khó khăn hiện nay, Công ty hoàn toàn không còn khả năng để tự vực dậy được và Công ty cũng mong thành phố nếu đã có hướng tháo gỡ khó khăn thì nên giải quyết kịp thời, càng chậm thì cả Công ty và thành phố càng thiệt hại, và khi đã không còn khả năng để khôi phục thì có cứu Công ty cũng hoàn toàn chịu chết", vị lãnh đạo này nói.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng đều xuống cấp nghiêm trọng...

Hiện nay, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, nhà xưởng đều xuống cấp nghiêm trọng...

Trong lúc đó, ông Nguyễn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Dana - Úc cho biết, từ khi bị chính quyền đình chỉ đến nay công ty gặp rất nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Hiện tại công ty có hai khoản chính là nợ ngân hàng và nợ nhà cung cấp. Ngân hàng đã nhiều lần gửi thông báo hối thúc trả nợ nhưng công ty chưa có trả nên đã chuyển thành nợ xấu. Các đối tác trong và ngoài nước cũng yêu cầu công ty trả nợ không họ sẽ kiện ra tòa. "Máy móc, thiết bị lâu không hoạt động lại bị chính quyền niêm phong nên không thể bảo trì, bảo dưỡng được, dẫn đến máy móc càng ngày càng xuống cấp và nguy cơ trở thành đống phế liệu", ông Nguyễn An cho biết.

Được biết, trước đó, Công ty cổ phần thép Dana – Ý đã nộp đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin).

"Nếu chính quyền Đà Nẵng giải quyết hợp lý cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ rút đơn kiện. Còn không thì vẫn theo đuổi vụ kiện đến cùng", lãnh đạo Công ty cổ phần thép Dana – Ý nói.

Đ.Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hai-nha-may-thep-thiet-hai-nang-sau-khi-bi-dung-hoat-dong-20190930114734546.htm