Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư hội ngộ tại 'Trăm năm Sử Việt'

Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư đã có cuộc hội ngộ tại 'Trăm năm Sử Việt' vào sáng ngày 20.8 tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Chương trình do Tạp chí Xưa & Nay tổ chức thu hút đông đảo nhân sĩ, trí thức cùng các bạn trẻ quan tâm về sử học tham dự.

Nhiều thế hệ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê lịch sử đã có mặt từ rất sớm, chật kín cả hội trường. Đặc biệt, nhiều người trong số họ từ Phú Yên, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu… cùng tìm đến để được nghe, trò chuyện tại sự kiện đặc biệt này. Và cuộc hội ngộ đã diễn ra trong không khí ấm áp, xúc động.

Mở đầu chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, kể về dấu mốc cả hai sử gia đều đã hơn 100 tuổi. Không phải họ hàng, không cùng quê hương nhưng cả hai sử gia đều họ Nguyễn Đình, đều đam mê gắn bó với lịch sử và viết nên nhiều tác phẩm giàu giá trị ý nghĩa...

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay.

“Sự hiện diện của hai nhà nghiên cứu là niềm vui, nguồn động viên, nguồn cảm hứng để chúng ta tiếp tục nhận thức về quá khứ của TP.HCM cũng như của Việt Nam một cách đầy đủ hơn. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hội nhập thế giới, chúng ta càng phải hiểu lịch sử của chúng ta hơn”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn cả hai nhà nghiên cứu tiếp tục có những đóng góp, hiến kế và góp sức cho sự phát triển của TP.HCM và nước nhà.

Tự học và say mê lịch sử

Cuộc đời của hai nhà nghiên cứu trải trải dài qua hai thế kỷ, vượt qua bao thăng trầm. Hai ông đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Dù tuổi cao nhưng trí óc vẫn hết sức minh mẫn, thông tuệ, hàng ngày vẫn bền bỉ làm việc để lại cho đời nhiều công trình lịch sử, văn hóa có giá trị vượt thời gian.

Hai nhà nghiên cứu kỳ vọng thế hệ trẻ tiếp nối di sản để lại những trang sử cho đời sau.

Hai nhà nghiên cứu kỳ vọng thế hệ trẻ tiếp nối di sản để lại những trang sử cho đời sau.

“Mặc dù tuổi đã vượt ngưỡng 100 nhưng các cụ vẫn suy nghĩ về sử học. Những câu chuyện của hai nhà nghiên cứu đã truyền cảm hứng rất lớn cho những thế hệ nghiên cứu lịch sử sau này, một lĩnh vực có thể nói là không dễ nhưng đồng thời cũng rất nhạy cảm. Những đóng góp của hai bác trên nền tảng hiểu biết cơ bản, đặc biệt về phương Nam là những đóng góp quý giá để các thế hệ khác tiếp tục tiếp thu”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

Đều đã trên 100 tuổi nên trong phần giao lưu, đặt câu hỏi từ khán giả, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư phải cần đến sự trợ giúp, nhắc hoặc diễn đạt lại câu hỏi vì nghe không được rõ. Tuy tai yếu nhưng trí nhớ và niềm đam mê nhiệt huyết sử học luôn tràn đầy trong tâm trí và cả hai nhà nghiên cứu kể say mê. Sử gia Nguyễn Đình Đầu kể lại mình từ một cậu bé tráng bánh cuốn, tự học và say mê tham gia hoạt động xã hội và rồi nghiên cứu Sử-Địa. Ông từng có nỗi mặc cảm về lai lịch cái tên “Đầu” của mình lại không giống ai. Tuy nhiên, ông tự nhận định con đường học của bản thân vẫn may mắn hơn sử gia Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu.

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từ một cậu bé mồ côi mẹ, phải sống với mẹ kế từ nhỏ, những lần tham gia học vấn rất lận đận gian truân… đến khi ngồi sửa xe ở lề đường, lúc rảnh rỗi chờ khách đến sửa xe thì ông lại mang giấy viết ra để ghi chép lại sử sách. Dù nhiều lần gián đoạn, nhưng ông vẫn giữ ý chí, theo đuổi việc học đến cùng. Tự mày mò học hỏi cùng sách là niềm yêu thích cả đời ông.

Cụ thể, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết Loạn 12 sứ quân chính là tiểu thuyết lịch sử duy nhất trong cuộc đời sáng tác của ông - được viết trong thời điểm ông phải mưu sinh chật vật. Ánh mắt của ông rạng ngời hồi tưởng về ký ức giữa năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nên phải ra ngoài sửa xe đạp để mưu sinh. Và trong những lúc không có khách sửa xe, ông lại nghĩ đến dự định viết bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân mà ông từng ấp ủ nhiều năm trước. Ông cũng cho biết mình đam mê sử Việt từ bé. Niềm đam mê ấy xuất phát từ lòng tự hào dân tộc: “Đất nước Việt là một dân tộc tuy ít người, đất hẹp nhưng ý chí quật cường có thể xem là số một”.

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Tư từ ở Phú Yên vào Sài Gòn vừa làm hành chính, vừa nghiên cứu lịch sử địa phương, viết sách khảo cứu.

Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Tư từ ở Phú Yên vào Sài Gòn vừa làm hành chính, vừa nghiên cứu lịch sử địa phương, viết sách khảo cứu.

Ông kể lại “Thời buổi khó khăn phải lo mưu sinh nên tôi không còn thời gian đi trung tâm lưu trữ hay thư viện nữa. Hầu hết sách cũ thì cũng đã bán đi lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Tôi chỉ còn cách ngồi viết ra và hệ thống lại những tư liệu trong suốt bao nhiêu năm thu thập còn lưu trong trí nhớ. “Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn lịch sử xảy ra cách nay trên một nghìn năm, lại vào thời gian khuyết sử, cho nên khi viết, tôi đã phải cố gắng hết sức để lựa chọn những từ, những chữ thật mộc mạc cho hợp với ngôn ngữ đương thời".

Năm 1996, ông là ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường tại TP.HCM. Chính ông cũng là người đặt tên cho hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tại TP.HCM. Khi nghe ông khẳng định, nhắc lại tinh thần chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì cả khán phòng vỗ tay đầy cảm động. Bởi mọi người cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, yêu quý giữ gìn lịch sử, tinh thần dân tộc luôn rực cháy trong ông và cả những người con yêu Sử Việt.

Hai 'pho Sử' sống động giá trị muôn đời!

Cả hai nhà nghiên cứu đã có những chia sẻ, nhìn nhận rất thẳng thắng về tình yêu lịch sử và tâm huyết viết nên các tác phẩm, các nhân vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vua Gia Long, học giả Trương Vĩnh Ký, những câu chuyện đặt tên đường tên phố…

Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (trái) và Nguyễn Đình Tư đã có buổi hội ngộ cùng “Trăm năm Sử Việt”.

Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (trái) và Nguyễn Đình Tư đã có buổi hội ngộ cùng “Trăm năm Sử Việt”.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về việc thay đổi cách đọc, viết sử trong cuộc đời gắn bó với sử học kéo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, chủ trương của ông là sử phải khách quan, không thẹn với lòng. Bởi lịch sử diễn biến theo điều kiện cụ thể của từng giai đoạn chứ nó không diễn biến theo ý muốn của phe này hay phe kia.

Về phần mình, sử gia Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh: Lòng yêu nước chính là cái chung, là duyên đưa đến những cuộc gặp gỡ đáng nhớ, trong đó có buổi hội ngộ này. Tinh thần yêu nước là điều đáng ghi nhận ở giới tri thức nước ta dù quan điểm có khác nhau như thế nào đi chăng nữa.

Được dịp đến dự và thăm hai nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư, ông Trần Hữu Phúc Tiến, một doanh nhân, đồng thời là tác giả của nhiều bài báo về lịch sử đô thị, di sản kiến trúc, bày tỏ niềm xúc động với những cảm phục: “Quả thật, không chỉ tác phẩm, chuyện đời của hai Cụ đều là tấm gương sáng cho con cháu! Người Sài Gòn và những người đọc sử không quên những trang sử trung thực và quý báu của hai sử gia chân thành, tâm huyết.

Đặc biệt, Cụ Đầu với tác phẩm Nỗi oan thế kỷ đã góp phần quan trọng minh oan cho nhà văn hóa Petrus Trương Vĩnh Ký. Cụ Tư không những viết Địa chí Sài Gòn và miền Nam mà còn đề xuất đặt tên Hoàng Sa và Trường Sa cho hai con đường dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Có mặt tại đây nhiều thế hệ trẻ già ngưỡng mộ và tri ân hai Sử gia, hai pho sử sống động giá trị muôn đời!”.

Luật sư Thomas Treutler chia sẻ tại sự kiện.

Luật sư Thomas Treutler chia sẻ tại sự kiện.

Đồng tình với những nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc và ông Trần Hữu Phúc Tiến, luật sư người Mỹ Thomas Treutler (hiện đang theo học chương trình thạc sĩ lịch sử bằng tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng đến tham dự bày tỏ lòng cảm phục, cảm kích trước những đóng góp quý báu của hai nhà nghiên cứu họ Nguyễn.

Luật sư Thomas Treutler cho biết sách do hai nhà nghiên cứu viết là nguồn tư liệu quý báu để phục vụ cho việc học tập nghiên cứu của ông. Đặc biệt, luật sư Thomas Treutler chia sẻ rằng đã thêm yêu sử Việt sau khi tiếp cận Tạp ghi Việt Sử Địa của sử gia Nguyễn Đình Đầu và từ Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Thừa nhận đã đọc nhiều công trình nghiên cứu của hai tác giả, nhưng nay được lắng nghe, trò chuyện trực tiếp cùng hai nhà sử gia ông Thomas Treutler mới hiểu hơn về những gì mà hai tác giả đã trải qua. Không chỉ bày tỏ sự nể phục trước sự minh mẫn ở tuổi xưa nay hiếm, tấm lòng đối với quê hương đất nước cùng sự cống hiến không mệt mỏi của hai nhà nghiên cứu họ Nguyễn, luật sư Thomas Treutler còn thích cả sự hài hước và bí quyết giữ gìn sức khỏe của hai Cụ.

Gia Anh - Ảnh: KKD

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hai-nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-dau-va-nguyen-dinh-tu-hoi-ngo-tai-tram-nam-su-viet-36183.html