Hai nhà phát triển Việt Nam được Apple vinh danh

Phạm Duy Phúc và Trần Tuấn Hiệp, 2 lập trình viên trẻ của Việt Nam nằm trong danh sách nhà phát triển được Apple giới thiệu trong chiến dịch tôn vinh những người dám ước mơ.

 Trang chủ chiến dịch "Những Người Ôm Giấc Mơ" của Apple.

Trang chủ chiến dịch "Những Người Ôm Giấc Mơ" của Apple.

Chiến dịch “Những Người Ôm Giấc Mơ” lần 2 được Apple khởi động từ ngày 9/8, tập trung giới thiệu các nhà sáng tạo, nhà phát triển và nghệ sĩ xuất sắc từ khu vực Đông Nam Á. Đây là những nhân vật để lại dấu ấn với tầm nhìn độc đáo, thông qua nội dung phát hành trên App Store, Apple Music và Apple TV.

Khi truy cập phần “Dám Ước Mơ” trên kho ứng dụng App Store, người dùng có thể đọc câu chuyện của một số nhà phát triển độc lập nổi bật trong khu vực, những người “dám biến ước mơ thành hiện thực”, theo Apple.

Các ứng dụng được vinh danh gồm DreamChaser, tựa game thuộc thể loại chạy bất tận (endless runner) lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam theo phong cách pixel. Phạm Duy Phúc và Trần Tuấn Hiệp, 2 nhà phát triển trẻ của Việt Nam, là những người đứng sau trò chơi.

DreamChaser kể câu chuyện thoát khỏi áp lực cuộc sống đô thị để trở về nơi yên bình. Trò chơi tượng trưng khát khao giải thoát những ràng buộc công việc để khám phá triều đại Nguyễn với các sinh vật thần thoại, trang phục truyền thống và thú cưng dễ thương.

"Ước mơ của tôi là có studio game của mình, có khoảng 10 thành viên, chỉ tập trung làm game", Phạm Duy Phúc chia sẻ với Apple.

 Phạm Duy Phúc, Trần Tuấn Hiệp và màn hình trò chơi DreamChaser. Ảnh: Apple.

Phạm Duy Phúc, Trần Tuấn Hiệp và màn hình trò chơi DreamChaser. Ảnh: Apple.

Ứng dụng thứ 2 là ThoughtFull Chat, phát triển bởi Joan Low từ Singapore, cô chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi trải nghiệm chăm sóc người thân đang chiến đấu các vấn đề tâm lý.

ThoughtFull Chat kết nối mọi người với dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm lý một cách dễ dàng, thân thiện và dễ tiếp cận. Ứng dụng hỗ trợ kết nối người dùng với chuyên gia sức khỏe tâm lý phù hợp, tạo ra trải nghiệm trị liệu thông qua tin nhắn hoặc video mọi lúc, mọi nơi.

Tiếp theo, Potion Permit là tựa game mô phỏng, kể về hành trình của một nhà hóa học tại thị trấn Moonbury. Trò chơi được phát triển bởi studio MassHive Media tại Indonesia, do anh em Andika Pradana và Anggia Lestari sáng lập.

Với mong muốn tạo ra điều mới mẻ cho thể loại game mô phỏng, nhóm phát triển lấy cảm hứng từ trải nghiệm làm bác sĩ của bạn gái Pradana lúc bấy giờ. Chia sẻ trên App Store, anh nói “muốn cho mọi người thấy rằng, người hùng không phải lúc nào cũng mặc áo giáp hay cầm kiếm, đôi khi họ chính là những người hỗ trợ và chữa lành cho chúng ta”.

Cuối cùng, WithU được phát triển bởi Tyme Suteesopon và Sirin (Nanny) Thamakaison. Đây là dự án thuộc Crying Cloud, tổ chức phi lợi nhuận do Thamakaison thành lập, nhằm thúc đẩy sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người Thái Lan, đặc biệt là người trẻ.

WithU tập trung mang đến những câu trích dẫn ấm áp, tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt được tạo ra bởi các nghệ sĩ tài năng Thái Lan. Theo Suteesopon, WithU tiếp thêm sức mạnh mỗi ngày cho người dùng khi nhìn vào màn hình nhờ tính năng tạo widget trên màn hình chính, hiển thị lời nhắn truyền cảm hứng cập nhật mỗi 20 phút. Ứng dụng cũng hỗ trợ tiếng Anh, giúp kết nối nhiều người dùng hơn.

Trên Apple Music, người dùng có thể theo dõi tác phẩm, sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của một số nghệ sĩ trẻ, có tầm ảnh hưởng lớn tại Đông Nam Á.

Các nghệ sĩ tiêu biểu được Apple giới thiệu gồm SPRITE (Thái Lan), Hev Abi (Philippines), NIKI (Indonesia), Firdhaus (Malaysia), Yung Raja và Rangga Jones (Singapore).

Trong khuôn khổ chiến dịch, mỗi nghệ sĩ cũng sẽ phát hành video biểu diễn trực tiếp độc quyền trên Apple Music. Người dùng có thể truy cập phần “Essential Playlists” để lắng nghe tác phẩm nổi bật của các nghệ sĩ.

Cuối cùng, Apple TV mang đến những tác phẩm truyền cảm hứng như Ted Lasso, Pachinko và Trying, bên cạnh tác phẩm từ một số nhà làm phim trong khu vực với bộ sưu tập “Storytellers of Southeast Asia”.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/apple-ton-vinh-nhung-nguoi-om-giac-mo-post1491108.html