Hai nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023: Thành công nhờ sáng tạo, vượt khó
Anh Nguyễn Văn Hữu (SN 1973), thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) và anh Nguyễn Hữu Quý (SN 1977), thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) là hai cá nhân thuộc tỉnh Bắc Giang vừa đạt danh hiệu 'Nông dân Việt Nam xuất sắc' năm 2023. Mỗi người lựa chọn lĩnh vực sản xuất khác nhau nhưng họ có điểm chung là tinh thần vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Chủ vườn bưởi da xanh "khủng"
Mới đây, chúng tôi đến thăm vườn nhà anh Hữu. Nơi đây có không gian đẹp, trong lành, bốn bề bạt ngàn cây trái. Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi ngồi nghỉ dưới tán bưởi, gió thoảng đưa xua đi cái nắng nóng của tiết trời mùa hè. Câu chuyện giữa khách với chủ nhà mỗi lúc một rôm rả. Anh nói, tìm hiểu thấy cây bưởi da xanh phù hợp trên đất đồi Lục Ngạn, cho giá trị kinh tế cao nên năm 2011, hai vợ chồng anh cải tạo đất, mua cây giống ở tỉnh Bến Tre về trồng.
Vườn của anh có hơn 1 nghìn cây, điều đặc biệt là nghìn cây như một, được chăm sóc đúng chuẩn quy trình VietGAP. Ngoài bưởi da xanh, anh còn trồng bưởi ngọt, bưởi đào, cam lòng vàng, cam ngọt với tổng diện tích gần 10 ha. Đến nay, vườn bưởi da xanh hơn 13 năm tuổi được đánh giá là một trong những vườn quả chất lượng nhất của huyện.
Theo anh, sản xuất hữu cơ mới bền vững, vừa giúp sản phẩm an toàn thực phẩm, vừa bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất. Vì thế, anh sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học như cá ngâm vi sinh, đỗ tương lên men vi sinh… bón cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh, anh rắc vôi bột, phun chế phẩm vôi với đồng. Trung bình mỗi năm, anh thu về hơn 300 tấn quả các loại.
Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các ban ngành, năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải ra đời do anh Nguyễn Văn Hữu làm Giám đốc. Ngoài trồng cây ăn quả có múi, HTX còn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là hướng đi mới của HTX để phát huy tối đa lợi thế từ cây chủ lực. Đến nơi này, quý khách được thỏa sức ngắm nhìn cây ăn quả có múi sai trĩu; thăm hồ sen, ao thả cá, khu trải nghiệm gia đình... Mỗi năm, HTX đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Anh Hữu phấn khởi cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu, phục vụ quý khách tốt hơn, vừa qua, chúng tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tạo lối đi, trồng hoa hai bên đường, xây dựng nhà sàn hai tầng có nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Đồng thời xây dựng tour du lịch tâm linh-miệt vườn-sinh vật cảnh. Đầu tháng 7/2023, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận đây là điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn. Đó là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng hơn từng ngày”. Năm 2022, gia đình anh thu về khoảng 5,3 tỷ đồng từ các nguồn, trừ chi phí, anh lãi hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hữu còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho nhiều hộ gia đình khác; tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Anh nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước; sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu.
Cho gà nghe nhạc
Gia đình anh Nguyễn Hữu Quý được đánh giá là hộ nuôi gà chọi quy mô lớn nhất huyện Yên Thế. Năm 2009, anh bắt đầu nuôi khoảng 10 nghìn con gà lai chọi vì nhận thấy đây là vật nuôi có sức đề kháng tốt, lớn nhanh, ít bệnh tật, phù hợp với địa hình, quỹ đất của gia đình. Mùa đông năm 2009, thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại kéo dài. Anh kể có những đêm gió mùa Đông Bắc thốc mạnh kèm theo mưa lớn, hai vợ chồng anh vội vàng thức giấc đi kiểm tra đàn gà. Nhờ chủ động che chắn chuồng; bổ sung thêm đèn sưởi ấm, thức ăn giúp gà tăng sức đề kháng nên đàn vật nuôi an toàn. Năm đó, nhiều nhà thua lỗ, gia đình anh vẫn có lãi khoảng 600 triệu đồng.
Anh chia sẻ thêm, quá trình chăn nuôi, anh thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Kinh nghiệm chọn gà con giống là phải mập mạp, mắt sáng. Trong tháng đầu tiên, anh tiêm đầy đủ vắc xin phòng các bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro, cúm H5N1. Vườn thả gà được khoanh lưới cẩn thận, tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài, vệ sinh chuồng mỗi tuần một lần. Gà được thoải mái vận động đúng với bản năng tự nhiên.
Anh thường xuyên cho gà nghe nhạc bằng cách lắp hệ thống loa trong chuồng, giúp vật nuôi không hoảng loạn khi có người đến cho ăn, dọn vệ sinh. Nhờ vậy, gà giảm “stress”, thuần tính, nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Anh còn áp dụng công nghệ sinh học; hệ thống cho ăn, uống nước tự động. Đàn gà được thả nuôi nhiều thời điểm gối nhau.
Sau khi xuất chuồng, anh rắc vôi khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, để chuồng “nghỉ” ít nhất ba tháng cho sạch mầm bệnh mới tiếp tục thả lứa gà tiếp theo. Chất thải, vỏ bao bì, chai, lọ từ hoạt động chăn nuôi đều được anh thu gom, xử lý hợp lý. Năm 2022, gia đình anh có doanh thu 6,7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Chỉ tay về phía khu chuồng trại đang được xây dựng mới, anh nói: “Gia đình tôi đang đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng thêm 5 khu chuồng với tổng diện tích 2,3 nghìn m2, dự kiến nuôi thêm khoảng 23 nghìn con gà lai chọi. Tôi xác định đây là vật nuôi thế mạnh của địa phương, là nguồn thực phẩm thiết yếu, đầu ra, giá cả tương đối ổn định nên tiếp tục mở rộng quy mô”.
Tiếng lành đồn xa, hằng năm, gia đình anh đón từ 10-20 đoàn khách đến thăm, học hỏi kinh nghiệm. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Kỳ thông tin thêm, anh Hữu là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà thôn Ngò 2, tổ có 10 thành viên. Tổ trưởng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hộ khác cách thức chăn nuôi gà lai chọi hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi năm, gia đình anh hỗ trợ giống, vốn cho từ 7– 9 hộ khó khăn trên địa bàn.
Với tinh thần tương thân tương ái, những năm vừa qua, gia đình anh Hữu tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ kinh phí thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Đơn cử như ủng hộ 25 triệu đồng giúp thôn Ngò 2 làm đường bê tông; ủng hộ 15 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19...
Anh Quý, anh Hữu đều chia sẻ, đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023 là vinh dự lớn. Các anh xem đây là động lực để tiếp tục thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau thoát đói nghèo, làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Mạc Yến