Hai nữ sinh chế tạo giấy chống thấm thay túi ni-lông

Với đề tài 'Sản xuất giấy từ bã mía có chức năng chống thấm'; hai nữ sinh Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy của Trường THPT Phú Bài, TX Hương Thủy (TT-Huế) xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài dự thi và giành giải Nhì Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng quốc gia năm 2019. Đây cũng là đề tài giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh TT-Huế năm 2019.

Với đề tài “Sản xuất giấy từ bã mía có chức năng chống thấm”; hai nữ sinh Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy của Trường THPT Phú Bài, TX Hương Thủy (TT-Huế) xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài dự thi và giành giải Nhì Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng quốc gia năm 2019. Đây cũng là đề tài giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh TT-Huế năm 2019.

Các túi đựng hàng hóa và ly uống nước bằng giấy chống thấm của hai nữ sinh.

Các túi đựng hàng hóa và ly uống nước bằng giấy chống thấm của hai nữ sinh.

Điều đáng khâm phục là dù trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình thử nghiệm nhưng các em vẫn không từ bỏ. Bởi ước mong của 2 nữ sinh này là tạo ra được những vật dùng thay thế ni-lông vừa đảm bảo sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường... Duyên và Thúy chia sẻ, hiện nay trên thị trường có 2 loại túi phổ biến gồm túi ni-lông và túi giấy. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các sản phẩm từ giấy là thấm nước và dễ rách, còn đồ nhựa, ni-lông gây ra mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khỏe con người.

“Ban đầu, em có ý tưởng làm giấy từ rơm rạ nhưng qua tìm hiểu thì chúng rất phổ biến trên thị trường. Trong một lần tình cờ đi uống nước mía, chúng em thấy bã mía thường dùng để đốt, đem vứt không sử dụng làm gì. Tìm hiểu kỹ biết trong bã mía có chứa khoảng 45 -50% xenlulôzơ nên bã mía là nguyên liệu tốt để làm giấy. Ý tưởng làm giấy từ bã mía nảy sinh từ đó...”- Duyên kể. Sau khi có ý tưởng, hết giờ học, Thúy và Duyên đạp xe, đi xin bã mía ở các quán giải khát trên địa bàn. Sau đó, các em đưa về và sấy khô, rồi dùng hóa chất làm tan lượng đường còn lại và xay nhuyễn để tạo ra bột giấy. Tiếp đến, các em thực hiện công đoàn tẩy màu để cho ra giấy trắng đẹp như giấy thường. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của hai nữ sinh mong muốn, giấy từ bã mía phải chống thấm nước, độ bền cao và có thể tạo ra những sản phẩm thay thế được túi ni-lông.

Qua tham khảo ý kiến của thầy cô và mạng Internet, Duyên và Thúy nhận thấy vỏ tôm cua có thể chế tạo ra hỗn hợp chitosan (màng tinh bột), vừa có khả năng chống nước, vừa có độ bền cao. Cả hai lại tiếp tục đến các quán ăn, nhà hàng tìm kiếm vỏ tôm, cua vứt bỏ đi. “Vỏ tôm, cua sau khi đưa về sẽ được lọc sạch phần thịt rồi dùng hóa chất khử hết các thành phần protein, khoáng, màu. Nhiều lần điều chế bất thành, cuối cùng tụi em thu được chitosan đặc dẻo vừa ý. Hỗn hợp chitosan sau đó được phủ lên lớp giấy từ bã mía giúp loại giấy này chống thấm nước, có độ bền như bìa carton. Ngoài chitosan, chúng em còn tạo màng chống thấm từ hỗn hợp polymer tinh bột -PVAc - Natriborat...”-Duyên cho hay.

Qua gần 1 năm nghiên cứu, trải qua hàng chục cuộc thí nghiệm thất bại, đến nay, Thúy và Duyên tạo ra nhiều sản phẩm như lồng đèn, túi giấy, ly giấy, ống hút, các hộp đồ dùng… Kết quả kiểm định của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế tỉnh TT-Huế cho thấy, “Giấy làm từ bã mía phủ màng Tinh bột -PVAc -Na2B4O7 (Natriborat)” đạt được các chỉ tiêu về an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, có khả năng phân hủy tốt, nên có thể ứng dụng làm các bao bì, ly giấy, đồ hộp chứa đựng thực phẩm. Cùng với đó, “Giấy làm từ bã mía phủ màng Chitosan” không những đạt được các chỉ tiêu về an toàn khi tiếp xúc thực phẩm, mà còn có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, không phát hiện bào tử vi nấm, độc tố Aflatoxin nên có thể ứng dụng làm các bao bì, ly giấy, đồ hộp chứa đựng và bảo quản thực phẩm. Đây là những sản phẩm an toàn và rất thân thiện với môi trường.

ThS. Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài nhận định: “Đề tài của hai em có tính thực tiễn rất tốt ở chỗ có thể đáp ứng việc thay thế túi ni-lông, nhựa. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp liên hệ để chuyển giao đề tài, thương mại hóa sản phẩm, nhân rộng vào cuộc sống...”. Khi được hỏi về hướng phát triển đề tài sắp tới, hai nữ sinh này cho biết, thời gian tới chúng em sẽ cải tiến sản phẩm để có chất lượng, giá cả tốt hơn qua đó ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống có hiệu quả cao.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_216143_hai-nu-sinh-che-tao-giay-chong-tham-thay-tui-ni-lo.aspx