Hai nửa sáng tối lợi nhuận ngành nước
Một số doanh nghiệp ngành nước công bố kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng ấn tượng trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành lại sụt giảm lợi nhuận.
Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán mấy ngày qua đã thực hiện trách nhiệm công bố báo cáo tài chính năm 2022. Đây là cơ chế để các cổ đông đánh giá về công ty mà mình có quyền lợi sở hữu.
Trong các công ty đại chúng này, nhóm doanh nghiệp ngành nước với đặc thù độc quyền cao, tiếp tục khẳng định giá trị an toàn bất chấp sự xuống dốc của thị trường, cho dù có đơn vị thì tăng trưởng ấn tượng, và có nơi thì lợi nhuận sụt giảm.
Tài sản an toàn
Công ty CP Cấp nước Bến Thành (mã chứng khoán BTW) là một ví dụ về tăng trưởng. Đạt doanh thu 487 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2021, BTW có lợi nhuận sau thuế gần 41 tỉ đồng, tăng 34%. Với kết quả kinh doanh này, lãi cơ bản trên cổ phiếu của BTW lên mức 4.368 đồng cho mỗi cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng.
Cùng có một năm tăng trưởng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DNN) năm qua đạt doanh thu 534 tỉ đồng, tăng 11%. Lợi nhuận sau thuế là 157 tỉ đồng, tăng gần 30%.
Tăng trưởng lợi nhuận 30 - 34% hẳn là mơ ước của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, nhưng trong ngành nước xem ra vẫn bình thường. Ở mức cao hơn trong năm 2022 còn có Công ty CP Cấp nước Quảng Bình (NQB) doanh thu gần 118 tỉ đồng, tăng 10% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 11,3 tỉ đồng, tăng gần 56%.
Cao hơn nữa có Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh (HTW), lợi nhuận tăng 64%; Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định (BDW) lợi nhuận tăng gần 69%... Còn khiêm tốn thì Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long (VLW) cũng đạt lợi nhuận 79 tỉ đồng, tăng hơn 14%...
Doanh nghiệp ngành nước doanh thu, lợi nhuận theo con số tuyệt đối đều nhỏ. Nhưng vì hiệu quả kinh doanh cao nên các chủ sở hữu thường giữ cổ phiếu như một tài sản an toàn, rất ít bán. Chẳng hạn, nhiều năm liên tục, lệnh mua DNN luôn dư hàng trăm nghìn đơn vị ở giá trần nhưng lệnh bán không đáng kể.
Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp ngành nước nào cũng đạt kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận tăng trưởng cao như vậy.
Công ty CP Cấp nước Nhà Bè (mã chứng khoán NBW) năm qua doanh thu tăng 14%, lên mức 853,4 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 27% so với năm 2021, còn gần 21 tỉ đồng.
Như vậy, dù đều là công ty con của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn Sawaco, NBW dù doanh thu gần gấp đôi nhưng lợi nhuận chỉ bằng một nửa BTW.
Đây là câu hỏi với NBW - doanh nghiệp gốc nhà nước được cổ phần hóa năm 2006, với vốn điều lệ hiện tại 109 tỉ đồng, vốn Nhà nước chiếm 53,4% do Sawaco quản lý, và một cổ đông lớn là REE Water nắm giữ 2,2 triệu cổ phần, tương ứng 20%.
Báo cáo tài chính 2022 cho thấy Cấp nước Nhà Bè đang quản lý hệ thống cấp nước, kinh doanh nước sạch ở quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè (TP HCM). Công ty đang bước đầu mở rộng địa bàn cấp nước sang các xã của huyện Cần Giuộc (Long An).
Từ sau khi cổ phần hóa, NBW đã phát triển thêm nhiều khách hàng, từ 66 nghìn đồng hồ nước năm 2007 đến nay đã vượt 131 nghìn đồng hồ, sản lượng nước sạch tiêu thụ từ hơn 36 triệu m3 năm 2007 lên hơn 69 triệu m3 năm 2021.
Một doanh nghiệp ngành nước khác lợi nhuận năm 2022 cũng giảm là Công ty CP Cấp nước Gia Định (GDW). Dù doanh thu tăng 11% lên mức 625 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lại giảm 16%, về mức 21 tỉ đồng.
GDW cũng là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa năm 2007, hiện có vốn điều lệ 95 tỉ đồng. Cũng như NBW, ở GDW Nhà nước vẫn sở hữu quá bán, với tỷ lệ 51,2% giao Sawaco quản lý, và REE Water cũng là cổ đông lớn, sở hữu 20%. Cạnh đó là các cổ đông tổ chức khác, như Ngân hàng TMCP Đông Á sở hữu 10%, Quỹ America LLC sở hữu 5,23%...
Cấp nước Gia Định đang quản lý hệ thống cấp nước, kinh doanh nước sạch ở Quận Bình Thạnh, Quận Phú Nhuận, một số phường thuộc Quận 3 và Quận Gò Vấp (TP HCM).
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành nước đang được điều chỉnh bởi Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Theo đó mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị đảm trách. Đặc thù này trao cho BTW, DNN, HTW, BDW, VLW, NBW, GDW... thế độc quyền cao.
Chưa kể, giá nước dù vẫn do chính quyền cấp tỉnh quyết định, nhưng trên cả nước về cơ bản đều ở mức khá cao, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng có lãi, thậm chí lãi cao nếu kiểm soát tốt thất thoát. Đây là điểm rất khác so với giá điện, do Chính phủ thống nhất quản lý trên cả nước, đã nhiều năm không điều chỉnh tăng tương ứng với biến động chi phí đầu vào của ngành điện.
Và với cơ chế này, các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, dù quy mô không lớn, nhưng cổ phiếu của nó luôn là tài sản an toàn cho các nhà đầu tư.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-nua-sang-toi-loi-nhuan-nganh-nuoc-post727856.html