Hai 'ông lớn' rút lui, dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc

Hai công ty IBM và Din Tai Fung cùng rời khỏi đại lục. Làn sóng vốn đầu tư FDI thoát khỏi Trung Quốc lại được khơi dậy.

IBM đã cơ bản rút khỏi Trung Quốc từ ngày 26/8 (Ảnh: AFP)

IBM đã cơ bản rút khỏi Trung Quốc từ ngày 26/8 (Ảnh: AFP)

IBM Trung Quốc bất ngờ thông báo đóng cửa, sa thải nhân viên

Vào ngày 26/8, lập trình viên Trương Hoành đến Tòa nhà Hoàn Vũ trong giai đoạn đầu của Công viên phần mềm Trung Quan Thôn như thường lệ. Đây là nơi đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) phần mềm của IBM.

Như tất cả các nhân viên khác, Trương Hoành nhận được email của tổng bộ IBM vào sáng sớm thứ Bảy. Ngày hôm trước, quyền truy cập mạng nội bộ của anh và các đồng nghiệp đã bị đóng. Email thông báo sẽ có một cuộc họp trực tuyến toàn thể nhân viên vào thứ Hai. Đó là kỳ nghỉ cuối tuần dài nhất mà Trương Hoành từng trải qua.

Cuộc họp bắt đầu vào đúng giờ làm việc buổi sáng. Phó chủ tịch phát triển hệ thống doanh nghiệp toàn cầu của IBM phát biểu đầu tiên. Ông nói, đây là một quyết định rất khó khăn nhưng nhiệm vụ R&D ở Trung Quốc sẽ được chuyển sang các cơ sở ở nước khác. Ngay sau đó, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm về IBM Z và LinuxONE cùng Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật lưu trữ lần lượt phát biểu. Ba quan chức đã kết thúc cuộc họp tổng cộng chưa đầy ba phút.

Chỉ vài câu nói đã kết thúc số phận của Trung tâm R&D IBM Trung Quốc, bao gồm Phòng thí nghiệm Phát triển CDL và Phòng thí nghiệm Hệ thống CLS, liên quan đến 1.600 nhân viên ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên đã mất việc chỉ sau một đêm. Từ nay IBM tại Trung Quốc chỉ còn dịch vụ tư vấn bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật.

Chỉ trong hai ngày sau, Trương Hoành đã nhận được phương án bồi thường.

 Din Tai Fung hôm 26/8 thông báo sẽ đóng cửa 14 nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Din Tai Fung hôm 26/8 thông báo sẽ đóng cửa 14 nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Hai "ông lớn" thoái lui

Cùng ngày 26/8, Din Tai Fung (Đỉnh Thái Phong), chuỗi nhà hàng Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng với các nhà hàng dim sum, cũng cho biết sẽ đóng cửa 14 cửa hàng ở miền Bắc Trung Quốc vào cuối tháng 10. Đối với người Trung Quốc, so với công ty công nghệ IBM, tin tức về việc nhà hàng ăn ngon nổi tiếng Din Tai Fung rút lui mang tính thời sự hơn. Đã có rất nhiều thông tin và bình luận liên quan trên mạng xã hội weibo.

IBM và Din Tai Fung là những công ty nước ngoài đã có mặt rất lâu ở Trung Quốc: IBM là 40 năm và Din Tai Fung 20 năm. Các công ty này đã từ bỏ cơ nghiệp phải khó khăn vất vả mới tích lũy được và quyết định rút lui, điều này đồng nghĩa với việc họ bi quan về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.

Tin tức về việc các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc không phải là mới, nhưng dường như đã tăng tốc trong thời gian gần đây. Vào nửa cuối năm ngoái, Viện nghiên cứu Gallup của Mỹ, công ty quản lý tài sản toàn cầu Vanguard Group và Tập đoàn Mitsubishi Motors của Nhật Bản cũng đã tuyên bố rút lui.

Tiêu thụ ế ẩm, quyết định không gia hạn giấy phép kinh doanh

IBM lâu nay luôn nhắm đến các doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc để bán, bảo trì, tư vấn và các dịch vụ khác về máy chủ. Năm ngoái, doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc đã giảm 19,6% so với năm trước. Một số nhà phân tích cho rằng đây là tác động tổng hợp của cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị và xu hướng ưa chuộng tiêu dùng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

 Nhà hàng Din Tai Fung từng được nhiều người ưa thích (Ảnh: Creaders).

Nhà hàng Din Tai Fung từng được nhiều người ưa thích (Ảnh: Creaders).

Din Tai Fung kể từ khi lần đầu tiên đặt chân vào khu vực Thượng Hải năm 2001, đến nay đã có hệ thống 31 nhà hàng trên khắp Trung Quốc. Lần này họ đã quyết định đóng cửa 14 nhà hàng ở Hoa Bắc, bao gồm cả các cửa hàng có mặt tại các vị trí vàng ở trung tâm Bắc Kinh như Quốc Mậu, Tây Đơn và Vương Phủ Tỉnh.

Pháp nhân chịu trách nhiệm về Din Tai Fung ở miền Bắc Trung Quốc là Beijing Heng Tai Fung (Bắc Kinh Hằng Thái Phong), được thành lập năm 2004. Được biết, sau khi giấy phép kinh doanh 20 năm hết hạn vào năm nay, họ quyết định không gia hạn thêm.

Về lý do đóng cửa các nhà hàng ở Hoa Bắc, Din Tai Fung chỉ cho biết: “Không có sự đồng thuận trong nội bộ hội đồng quản trị về việc gia hạn giấy phép kinh doanh”. Người trong giới cho rằng sau khi việc phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối năm 2022, do tiêu dùng của Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái, tổn thất của Din Tai Fung liên tục gia tăng, nên cuối cùng họ quyết định rút lui.

Tuy nhiên, 17 nhà hàng còn lại ở Thượng Hải, Quảng Châu và những nơi khác sẽ tiếp tục được giữ lại.

Thị trường chứng khoán "bay hơi" 12 tỉ USD

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong quý 2 năm nay là -14,8 tỉ USD. Kể từ quý 3 năm ngoái với mức -12,1 tỉ USD, cách ba quý lại xuất hiện tăng trưởng âm, điều đó có nghĩa là dòng vốn chảy ra nhiều hơn dòng vốn vào.

Tăng trưởng trong quý 3 năm ngoái ở mức -12,1 tỉ USD, đây là một cú sốc lớn đối với chính quyền Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên FDI bị lỗ theo quý kể từ khi bắt đầu thống kê FDI vào năm 1998. Đây là lần lỗ thứ hai và quy mô khoản lỗ này lớn hơn cả quý 3 năm ngoái. Bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng chống dịch “Zero Covid”, FDI của Trung Quốc có xu hướng giảm sau khi tăng 107,2 tỉ USD trong quý 1 năm 2022 trước khi Thượng Hải bị phong tỏa.

Tình hình cũng tương tự trên thị trường chứng khoán. Tờ Financial Times đưa tin, kể từ đầu tháng 6 năm nay, hơn 12 tỉ USD vốn nước ngoài đã chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Sau khi mất 10,9 tỉ USD trong ba tháng quý 3 năm ngoái, một cuộc “đại đào tẩu” khác lại bắt đầu. Sau khi dòng vốn liên tục chảy ra, từ ngày 18/8, sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu thống kê dòng vốn toàn cầu hàng ngày.

 Biểu đồ vốn FDI hàng quý của Trung Quốc (từ quý 3/2021 đến quý 2/2024). Đơn vị tính: tỉ USD (Ảnh: Chosun Ilbo).

Biểu đồ vốn FDI hàng quý của Trung Quốc (từ quý 3/2021 đến quý 2/2024). Đơn vị tính: tỉ USD (Ảnh: Chosun Ilbo).

Sự bi quan về kinh tế của Trung Quốc

Việc rút vốn nước ngoài vào nửa cuối năm ngoái bị ảnh hưởng rất lớn bởi Luật Chống gián điệp có hiệu lực từ ngày 1/7 năm ngoái. Sau khi chính quyền Trung Quốc khám xét và tịch thu các công ty tư vấn của Mỹ, đồng thời gây áp lực mạnh mẽ lên các giới quản lý điều hành cấp cao, bao gồm cả việc cấm họ xuất cảnh, các công ty nước ngoài đã bắt đầu chọn cách rút khỏi Trung Quốc.

Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 11/9 cho rằng, sự bi quan về tương lai kinh tế Trung Quốc năm nay là nguyên nhân chính. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II/2024 là 4,7%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường (5,1%) và tăng trưởng tiêu dùng trong tháng 6 chỉ là 2,0%. Nền kinh tế Trung Quốc đã bị kéo xuống bởi sự sụp đổ của bong bóng bất động sản, rất khó thoát khỏi vũng lầy suy thoái.

Việc đầu tư nước ngoài thoái vốn tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Việc rút lui dẫn đến sa thải 1.600 nhân viên của IBM và hơn 800 nhân viên của Din Tai Fung. Cùng với việc các công ty nước ngoài liên tiếp rút lui trong vài năm qua, việc làm lương cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải và những nơi khác đang dần biến mất.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi giữa tháng 8 đã đưa ra các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm nới lỏng các hạn chế trong sản xuất và bãi bỏ các hạn chế đầu tư khác nhau. Nhưng rất ít người cho rằng những biện pháp này sẽ có thể giúp đảo ngược xu hướng tháo chạy của đầu tư nước ngoài.

Theo Chosun Ilbo, Creaders

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hai-ong-lon-rut-lui-dong-von-tiep-tuc-thao-chay-khoi-trung-quoc-post178143.html