Hải Phòng: Chọn tổ hợp môn phù hợp đáp ứng nguyện vọng học sinh trường chuyên

Từ năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với nguyện vọng.

Cô trò lớp 11 chuyên Trung, Trường THPT chuyên Trần Phú trong giờ học.

Cô trò lớp 11 chuyên Trung, Trường THPT chuyên Trần Phú trong giờ học.

Còn nhiều khó khăn

Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Theo chương trình mới, học sinh học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Học sinh sẽ phải lựa chọn 4 trong 9 môn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để học cùng các chuyên đề. Các môn tự chọn: Tiếng dân học thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Những năm đầu thực hiện chương trình, nhiều trường THPT đại trà tại TP Hải Phòng căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để xây dựng sẵn các tổ hợp cho học sinh lựa chọn. Sau khi có kết quả tuyển sinh vào 10, các trường tổ chức tư vấn cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp. Từ kết quả đó, trường sẽ bố trí lớp học.

Thực tế, việc lựa chọn, sắp xếp các tổ hợp môn trong trường đại trà còn nhiều khó khăn, bất cập, “gượng ép” theo điều kiện sẵn có của nhà trường.

Đối với trường chuyên, việc tổ chức lớp lại hoàn toàn trái ngược so với các trường đại trà bởi khi học sinh đỗ chuyên tức là các em đã vào cố định lớp theo nguyện vọng đăng kí dự thi. Vì thế, việc bố trí tổ hợp môn lựa chọn trong trường chuyên đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của chương trình mới là vô cùng khó khăn.

 Lớp 10 chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Lớp 10 chuyên Địa lý, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Ngay khi thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn dạy học các môn chuyên trong trường THPT chuyên. Theo đó, học sinh trường chuyên sẽ lựa chọn môn học như sau:

Đối với lớp chuyên Toán, Ngữ văn, Lịch sử: Học sinh chọn học 4 môn học trong 9 môn học lựa chọn. Đối với chuyên đề học tập lựa chọn, ngoài cụm chuyên đề học tập lựa chọn thuộc chương trình môn chuyên, học sinh chọn 2 cụm chuyên đề học tập lựa chọn của 2 môn học khác môn chuyên trong 4 môn học đã lựa chọn và các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử.

Với lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học: Học sinh lựa chọn học 3 môn học (khác môn chuyên) trong 9 môn học lựa chọn. Đối với chuyên đề học tập lựa chọn, ngoài cụm chuyên đề học tập lựa chọn thuộc chương trình môn chuyên, học sinh chọn 2 cụm chuyên đề học tập của 2 môn học trong 6 môn học gồm 3 môn học đã lựa chọn và các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử.

Với lớp chuyên Ngoại ngữ: Học sinh lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học lựa chọn. Đối với chuyên đề học tập lựa chọn, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập lựa chọn của 3 môn học trong 7 môn học, gồm 4 môn học đã lựa chọn và các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử.

Học sinh chuyên vẫn sử dụng các đầu sách sách giáo khoa theo danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và UBND tỉnh/thành phố lựa chọn.

Theo lý thuyết, học sinh được tự lựa chọn tổ hợp theo định hướng và sở thích cá nhân. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, giáo viên, nhiều nhà trường đưa ra tổ hợp môn phù hợp với từng lớp chuyên. Điều này dẫn đến có trường hợp học sinh không được học môn yêu thích. Thậm chí, nhiều trường chưa thể triển khai dạy học một số môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật,...

Nỗ lực vì quyền lợi học trò

Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng có trên 2.000 học sinh với các lớp chuyên: Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật. Năm học này, nhà trường tuyển sinh 18 lớp 10.

Theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Thúy Nga, 2 năm học trước, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và tính phù hợp môn học, nhà trường tự đưa ra môn lựa chọn cho các lớp chuyên. Ví dụ, lớp chuyên Toán thì các em sẽ học các môn lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học…

 Học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp sẽ thuận lợi cho lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp sẽ thuận lợi cho lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Nhưng từ năm học này, nhà trường cho học sinh lựa chọn các tổ hợp môn theo nguyện vọng. Ban đầu trường xây dựng 7 tổ hợp, có 2 tổ hợp không có học sinh đăng kí, 1 tổ hợp có 13 em lựa chọn. Với 13 học sinh không đủ sắp 1 lớp, vì thế qua phân tích, các em đã chọn tổ hợp khác. Vậy là 18 lớp 10 có thêm 18 lớp tổ hợp, mỗi lớp tối đa 40 học sinh, tối thiểu 30 học sinh. 1 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp (1 lớp chuyên và 1 lớp lựa chọn). Đặc biệt, năm học này lớp 10 được học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Với khối lớp 11, 12, nhà trường tạo điều kiện cho các em đổi tổ hợp theo nguyện vọng để đáp ứng nhu cầu xét tuyển đại học sau này. Kết quả, khối 12 có 10 học sinh và khối 11 có 30 em đổi tổ hợp.

Cô Nga cho hay, tháng 5 năm 2023, nhà trường đã thử cho học sinh tự do đăng kí nguyện vọng lựa chọn tổ hợp nhưng rất phức tạp. Sau đó, trường chọn phương án xây dựng tổ hợp môn phù hợp với các khối thi đại học, nhu cầu thi đánh giá năng lực, tư duy của học sinh.

Việc xây dựng tổ hợp môn trong trường chuyên để học sinh lựa chọn rất phức tạp vì thế trong hè nhà trường đã họp cán bộ, giáo viên tuyên truyền, động viên thầy cô cùng nỗ lực. Trường không ra phân công chuyên môn ngay mà phải đợi khi có thời khóa biểu mới phân công.

Khi bắt tay vào làm thời khóa biểu cán bộ chuyên môn rất bối rối bởi chính môn lựa chọn ở một số lớp lại là môn chuyên, thậm chí số tiết môn chuyên mà Bộ GD&ĐT quy định cũng không giống nhau. Cùng là một lớp chuyên nhưng có rất nhiều học sinh đăng kí các tổ hợp lựa chọn khác nhau. Vì thế, phải sắp thời khóa biểu phù hợp để các em không bị chồng chéo lịch học, đặc biệt có thời gian cho học sinh đội tuyển ôn thi học sinh giỏi.

 Vì quyền lợi học sinh, Trường THPT chuyên Trần Phú nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Vì quyền lợi học sinh, Trường THPT chuyên Trần Phú nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Giải pháp mà nhà trường đưa ra là, tạo quy ước tương đối cho cán bộ sắp lịch học, đặt tên các lớp lựa chọn theo thứ tự bảng chữ cái, từ “B, C, D..”. Với Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp giao cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ít tiết đứng lớp. Môn Giáo dục quốc phòng nhà trường học theo đợt và không sắp lịch theo tuần. Vì thế giảm áp lực số tiết vào buổi sáng cho học sinh và giảm thiểu số tiết sang buổi chiều để ôn đội tuyển.

Theo cô Nga, nhà trường tương đối đủ đội ngũ và cơ sở vật chất nên việc sắp xếp các tổ hợp môn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhà trường dự liệu nhiều vấn đề phát sinh, bất cập như việc chấm điểm, vào sổ điểm có thể nhầm lẫn trên dữ liệu ngành. Tuy nhiên, vì quyền lợi học sinh, nhà trường vừa làm vừa gỡ và báo cáo Sở GD&ĐT để được hướng dẫn.

Thầy Đoàn Thái Sơn- Hiệu trưởng nhà trường cho hay, Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh. Việc cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn sẽ phù hợp với khả năng của các em và xu hướng chọn nghề tương lai. Tuy nhiên, cùng lúc vận hành song song 2 lớp học (lớp chuyên và lớp lựa chọn) sẽ phát sinh thêm nhiều khó khăn và công việc cho cán bộ, giáo viên. Để đảm bảo quyền lợi cho học trò, Ban giám hiệu động viên thầy cô cùng cố gắng, khắc phục.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hai-phong-chon-to-hop-mon-phu-hop-dap-ung-nguyen-vong-hoc-sinh-truong-chuyen-post708143.html