Hải Phòng chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3
Sáng 21/7, Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu chủ trì họp trực tuyến phòng chống báo số 3 với 114 xã, phường, đặc khu trên địa bàn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, đến 17 giờ ngày 20/7, công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với cơn bão số 3 được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung cao theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu chủ trì họp trực tuyến phòng chống báo số 3 với 114 xã, phường, đặc khu trên địa bàn.
Theo đó, các đơn vị, địa phương đã thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện với 4.668 lao động vào nơi tránh trú an toàn; cảnh báo gần 9.900 lồng bè và hơn 16 nghìn khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có khoảng 2.500 khách quốc tế. Đến nay, không còn tàu chưa liên lạc được và không có tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Tại địa bàn 114 xã, phường, đặc khu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, xây dựng phương án sơ tán dân ở vùng ven sông, ven biển, trũng thấp và triển khai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đã thiết lập nhóm Zalo kết nối trực tiếp với Chủ tịch UBND cấp xã và các sở, ngành để đảm bảo chỉ đạo nhanh chóng, hiệu quả.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc họp.
Các địa phương, công ty thủy lợi chủ động thực hiện tiêu nước đệm, vận hành hệ thống tiêu thoát, hồ chứa, kênh mương; kiểm tra 75 trọng điểm đê điều xung yếu, chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho hơn 56 nghìn ha lúa (trong đó khoảng 20 nghìn ha lúa đã cao cây), gần 29 nghìn ha cây ăn quả, 12 nghìn ha cây rau màu vụ hè thu; thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm (640 nghìn con gia súc; 16 triệu con gia cầm) và 21 nghìn ha nuôi trồng thủy sản.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tuyến đê hữu Văn Úc tại xã Hà Đông phía Tây thành phố.
Các đơn vị, địa phương rà soát, kiểm tra 180 khu chung cư cũ xuống cấp, trong đó 59 chung cư cấp độ D (cấp nguy hiểm); rà soát có 7 nghìn hộ với 20 nghìn người dân tại các khu vực nguy hiểm, tại các chòi canh trên các lồng bè thủy sản và trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu cần di dời khi có tình huống; đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán.
Về hậu cần, thành phố đã dự trữ tại chỗ hơn 1,1 triệu bao tải, 165 nghìn mét bạt, 47 nghìn kg dây thép và nhiều vật tư thiết yếu khác. Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, phòng cháy chữa cháy với khoảng 56 nghìn người sẵn sàng huy động ứng trực khi có yêu cầu. Các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê, phương án sơ tán dân, phương án bảo vệ hồ đập, công trình đê điều, thủy lợi xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, trang thiết bị để triển khai ứng phó theo các phương án được duyệt. Tổ chức thường trực, trực ban theo chế độ 24/24h tại các cấp.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu kiểm tra công tác phòng chống Bão số 3 tại các Cảng: Chùa Vẽ, Tân Vũ, Nam Đình Vũ, Cảng Hàng không Cát Bi và Trạm bơm Chu Đậu (xã Thái Tân).
Để chủ động phòng, chống bão số 3 (WIPHA), chiều 20-7, đại diện lãnh đạo Cảng container Quốc tế Tân Cảng- Cảng Hải Phòng (TC- HICT) và Cảng container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) có thông báo về việc tạm ngừng tiếp nhận phương tiện đến cảng do ảnh hưởng của bão số 3.
Nhằm bảo đảm an toàn quá trình hoạt động sản xuất tại cảng trong thời điểm ảnh hưởng của cơn bão số 3, Cảng TC-HICT và HHIT tạm ngừng tiếp nhận các phương tiện đến cảng làm hàng kể từ 6 giờ ngày 21-7 cho tới khi có thông báo mới. Để bảo đảm an toàn thiết bị, hàng hóa tại khu vực kho bãi, trong chiều 20-7, các doanh nghiệp yêu cầu các bộ phận tăng cường kiểm tra an toàn hệ thống điện, gia cố cẩu trục, hạ thấp độ cao container trong bãi…
Trước đó, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp quản lý khai thác cảng biển tập trung làm hàng giải phóng tàu nhanh nhất có thể, để các tàu container có thể rời cầu cảng chậm nhất trước 10 giờ ngày 21-7, các loại tàu khác rời cảng trước 8 giờ ngày 21-7. Trường hợp tàu neo đậu bắt buộc phải neo, buộc tại cầu cảng, phối hợp với thuyền trưởng lập phương án bảo đảm an toàn cho các tàu neo đậu tại cầu cảng và cam kết bảo đảm an toàn cho tàu, cầu cảng, gửi về Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chậm nhất trước 6 giờ ngày 21-7.

Các lực lượng đang tích cực triển khai công tác phòng, chống bão số 3.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (WIPHA), Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo các đồn, trạm đóng quân trên địa bàn các địa phương kích hoạt chế độ phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ”.
Tại Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng phối hợp Cảng vụ hàng hải thống nhất kế hoạch phòng, tránh bão cho tàu thuyền neo đậu tại cảng; Hải đội 2 thành lập kíp tàu cơ động ứng trực tại khu vực vịnh Lan Hạ (đặc khu Cát Hải), sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ kiểm đếm, sắp xếp phương tiện tránh trú bão, bảo đảm đầy đủ nhiên liệu cho cơ động khắc phục hậu quả bão. Các Đồn biên phòng Cát Bà, Cát Hải phối hợp địa phương vận động người dân viết cam kết rời khỏi lồng bè, bố trí vị trí neo đậu an toàn; các Đồn biên phòng Cát Bà, Đồ Sơn thành lập các tổ công tác phối hợp kiểm đếm, bảo đảm an ninh trật tự đối với phương tiện du lịch, tàu cá ngoại tỉnh vào tránh trú, đồng thời tuyên truyền, vận động khách du lịch vào đất liền; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo Quy định 18/2021/QĐ-TTg... Bên cạnh đó, các đồn, trạm xây dựng kế hoạch ứng phó chi tiết, thành lập các tổ công tác kiểm tra vị trí neo đậu, sắp xếp tàu thuyền và tổ chức di tản người dân khỏi các khu vực nguy hiểm như lồng bè, chòi canh.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố yêu cầu duy trì 100% quân số trực chiến, tổ chức 1 tiểu đội cơ động (10 đồng chí) để phối hợp tuần tra, tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế nếu cần thiết để các phương tiện, lồng bè, chòi canh rời khỏi khu vực nguy hiểm và cử cán bộ túc trực tại hiện trường, sẵn sàng hỗ trợ sơ tán khi cần thiết.

Đặc khu Bạch Long Vỹ sáng ngày 21/7.
Theo UBND đặc khu Cát Hải, địa phương đang quản lý tổng số 654 phương tiện tàu thuyền với tổng số 1.469 lao động. Trong đó, 647 phương tiện với 1.388 lao động được sắp xếp neo đậu tại các vị trí tránh trú an toàn. Đến 17 giờ chiều 20-7, còn 17 phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động với tổng số 81 lao động. Trong đó, có 3 phà đang hoạt động tại khu vực Gia Luận trên đảo Cát Bà và 14 phương tiện xuồng, phà, đò đang hoạt động tại khu vực đảo Cát Hải. Không có tàu, thuyền nào đang hoạt động nằm trong vùng nguy hiểm.
Cùng với đó, tại các vị trí tránh, trú bão của đặc khu cũng có 68 phương tiện với tổng số 315 lao động của các địa phương khác đến neo đậu tránh bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đặc khu Cát Hải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền và ngư dân đang còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu cho các tàu, thuyền trong các khu tránh trú; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền và giữ thông tin thường xuyên với các chủ phương tiện để phối hợp xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tính tới thời điểm trưa ngày 21/7, các phường, xã trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị vật tư, phương tiện và nơi trú cho người dân trong bão số 3. Đồng thời tổ chức các đoàn đến các khu dân cư vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, bến bãi; đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn
Ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Ban, ngành, địa phương cần huy động đầy đủ lực lượng, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Ủy ban nhân dân phường Lê Ích Mộc tổ chức huy động 65 cán bộ chiến sỹ và cán bộ công chức phường gia cố các điểm cống xung yếu và rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn để phòng, chống bão số 3.
Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Hải Phòng, thành phố đã cấp bách triển khai nhiều phần việc. Cụ thể, đã thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện với 4.668 lao động vào nơi tránh trú an toàn; cảnh báo gần 9.900 lồng bè và hơn 16.000 khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có khoảng 2.500 khách quốc tế. Đến chiều ngày 20/7, không còn tàu chưa liên lạc được và không có tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Tại vùng nước cảng biển Hải Phòng hiện có 71 phương tiện với 690 thuyền viên (trong đó có 31 phương tiện nước ngoài) đã được neo đậu an toàn.
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các xã, phường, đặc khu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão, bảo đảm thực hiện “bốn tại chỗ”; trong đó lưu ý chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống bão và có phương án sơ tán dân nếu cần thiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân và khách du lịch.