Hải Phòng: Dài cổ 'ngóng' dự án đường bộ ven biển 3.800 tỷ đồng

Hơn 1 năm nay, người dân địa phương 'xé rào' đi qua Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình. Trong khi đó, nhà thầu rút toàn bộ máy móc, nhân lực để dự án 'đắp chiếu' trong nỗi xót xa.

Người dân địa phương phản ánh, mặc dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã cho rào chắn, dựng biển cảnh báo và lắp barie, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn cố tình ra vào Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nối Hải Phòng với Thái Bình (Dự án đường ven biển) đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng trên địa bàn phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng

Chiều 22/7, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Ninh - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Đức, thừa nhận có tình trạng này.

Ông Ninh cho biết, Dự án đường ven biển đoạn đi qua quận Đồ Sơn dài 2,9 km nằm hoàn toàn trên địa bàn phường Minh Đức, đi qua 5 tổ dân phố: Nguyễn Huệ, Quang Trung, Ngô Quyền, Đề Thám và Dân Tiến.

Sau khi xảy ra vụ việc ca nương trẻ nhất Việt Nam tử vong do tai nạn tại tuyến đường dang dở này (ngày 1/7/2023 - PV), chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã rào chắn bằng các tấm bê tông lớn đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng trên địa bàn phường.

Người dân địa phương điều khiển xe máy đi qua Dự án đường ven biển trên địa bàn phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, dù cơ quan chức năng đã lắp barie cảnh báo (Ảnh chụp chiều 22/7).

Người dân địa phương điều khiển xe máy đi qua Dự án đường ven biển trên địa bàn phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, dù cơ quan chức năng đã lắp barie cảnh báo (Ảnh chụp chiều 22/7).

"Khoảng 3 tháng trước, nhà thầu thi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến ngã 3 Vạn Bún đề nghị mở rào chắn để xe chở vật liệu đi qua. Tuy nhiên, họ lại không quản lý tốt khiến người dân trong phường thường xuyên điều khiển phương tiện vào ra tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Trước thực trạng này, ngày 18/7, Công an quận Đồ Sơn, Phòng Quản lý đô thị quận Đồ Sơn, UBND phường Minh Đức, chủ đầu tư Dự án đường ven biển họp thống nhất dựng biển cảnh báo, lắp barie ngăn không cho phương tiện đi vào dự án. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số công nhân người địa phương đi xe máy qua dự án để tới làm việc tại Khu công nghiệp Đồ Sơn", ông Nguyễn Mạnh Ninh thông tin.

Theo ông Ninh, người dân phường Minh Đức rất bức xúc khi nhà thầu thi công để dự án "đắp chiếu" suốt thời gian dài. Trong khi đó, đây là tuyến đường quan trọng, thuận tiện về cả giao thông lẫn giao thương. Tại nhiều cuộc tiếp xúc của HĐND phường Minh Đức, cử tri trong phường kiến nghị sớm hoàn thành dự án để đỡ "làm khổ" dân.

Cầu vượt sông Đa Độ thuộc Dự án đường ven biển trên địa bàn Tp.Hải Phòng dù đã hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng do dự án dở dang (Ảnh: Thái Phan).

Cầu vượt sông Đa Độ thuộc Dự án đường ven biển trên địa bàn Tp.Hải Phòng dù đã hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng do dự án dở dang (Ảnh: Thái Phan).

Liên quan đến Dự án đường ven biển, theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, dự án có tổng chiều dài gần 30 km, trong đó đoạn đi qua Tp.Hải Phòng dài gần 21 km, gần 9 km đi qua địa phận tỉnh Thái Bình. Chủ đầu tư là Liên danh giữa Tổng công ty Xây dựng Số 1- CTCP (CC1) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ. Doanh nghiệp được chủ đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án hơn 3.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (BOT). Sau đó tăng lên 3.800 tỷ đồng. Trong đó, có 720 tỷ đồng là vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án lấy từ nguốn vốn trái phiếu Chính phủ dùng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Tp.Hải Phòng. Còn lại, là vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Dự án thu hồi vốn thông qua thu phí dự kiến 23 năm.

Dự án đường ven biển được khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Sau nhiều lần được gia hạn, lần cuối là đến hết năm 2023 phải hoàn thành, dự án rơi vào tình trạng "đắp chiếu" suốt hơn 1 năm qua khi đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc.

Tại Văn bản số 383/BC-UBND, UBND Tp.Hải Phòng thông tin, khó khăn lớn nhất khiến Dự án đường ven biển "đắp chiếu" liên quan đến áp dụng quy định về lãi suất vốn vay dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất doanh nghiệp dự án phải hạch toán với bên cho vay và lãi suất được quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT.

Việc chưa điều chỉnh lãi suất vốn vay dẫn đến rủi ro rất lớn cho chủ đầu tư. Vì thế, chủ đầu tư Dự án đường ven biển nối đã có Văn bản số 150/HPRC-DA về việc dừng thực hiện Hợp đồng BOT số 68/HĐ.BOT cho đến khi các bên thương thảo, đàm phán điều chỉnh lãi suất vốn vay, nguyên tắc xác định vốn vay.

UBND Tp.Hải Phòng đã có Văn bản số 2482/UBND-GT báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay Hợp đồng BOT Dự án đường ven biển. Hiện địa phương đang chờ sự chỉ đạo của Trung ương.

Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình bị "đắp chiếu" hơn 1 năm nay trong nỗi xót xa (Ảnh: Thái Phan).

Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình bị "đắp chiếu" hơn 1 năm nay trong nỗi xót xa (Ảnh: Thái Phan).

Để phát huy lợi thế Dự án đường ven biển, Tp. Hải Phòng đã đầu tư gần 960 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến ngã ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn và hơn 924 tỷ đồng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy).

Điều này dẫn tới nghịch lý, trong khi Tp.Hải Phòng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 tuyến đường kết nối thì Dự án đường bộ ven biển lại chưa hẹn ngày "về đích".

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-dai-co-ngong-du-an-duong-bo-ven-bien-3800-ty-dong-204240723143554399.htm