Hải Phòng đầu tư xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ
Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy, Nguyên, Hải Phòng) cuối năm 2019 gây chú ý đặc biệt với người dân và các nhà khoa học.
Sáng 3/5, tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, sự kiện bãi cọc Cao Quỳ một lần nữa tạo sự quan tâm của dư luận địa phương, các nhà khoa học khi việc bảo tồn bãi cọc này và xây dựng tuyến đường vào đã được triển khai.
Dự án nằm trên 2 xã Liên Khê, Lưu Kỳ của huyện Thủy Nguyên, trong đó khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m2.
Theo dự án, tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ dài 3,488km kết nối quốc lộ 10 với khu bảo tồn, chạy qua các xã Lưu Kỳ, Liên Khê, rộng 18-22m, mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5m, cùng với bãi đỗ xe rộng 1ha.
Tổng mức đầu tư cho cả 2 hạng mục (Khu bảo tồn và tuyến đường vào) hơn 431 tỉ đồng bằng vốn ngân sách, thời gian thi công khoảng 135 ngày.
Theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, ngay từ khi bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, chính quyền thành phố đã áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, đồng thời tiến hành các thủ tục để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản.
Sau khi hoàn thành, Di tích bãi cọc Cao Quỳ cùng Khu di tích Bạch Đằng Giang và hệ thống các di tích khác trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa rộng lớn bên sông Bạch Đằng. Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Dự Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Dự án Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào này không chỉ đơn thuần là một Dự án xây dựng cơ bản mà là một công trình văn hóa, lịch sử. Việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản. Do đó, trong toàn bộ quá trình thi công, đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ.