Hải Phòng đẩy mạnh kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại
Năm 2025, TP. Hải Phòng tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 12,5%.
Chiều 31/12, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2025.
Hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,5%
Chủ đề năm 2025 của TP. Hải Phòng là “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”, trong đó thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, quản lý hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,5%.
Thành phố tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo điều hành, gồm: Bám sát, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết và Chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị các ban, ngành thành phố, đơn vị địa phương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng trung tâm tổ chức hội chợ triển lãm của thành phố.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 251 tỷ đồng, tăng khoảng 12,5% so với năm 2024. Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thúc đẩy liên kết nhiều bên doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Khởi công một số công trình, dự án lớn
Năm 2024, kinh tế TP. Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11,01% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,6 lần bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực.
Khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở ra không gian, dư địa phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng công bố các quyết định của UBND thành phố về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; giao dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2025; chương trình công tác của UBND thành phố năm 2025; dự thảo Chỉ thị về công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố năm 2025.
Năm 2025, TP. Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch để sớm thành lập các khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp Nam Tràng Cát; khu công nghiệp Thủy Nguyên; Khu công nghiệp Tràng Duệ 3; Khu công nghiệp Nomura giai đoạn II; Khu công nghiệp Vinh Quang (giai đoạn 1)...; thành lập Cụm công nghiệp Tiên Cường III, Nam Am, Đoàn Xá, Kiền Bái - Cao Nhân. Triển khai lập nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Hoàn thành Đề án và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng.