Phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam: Có thể ưu tiên lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Nhìn ra thế giới, có thể thấy rất nhiều câu chuyện phát triển thần kỳ của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay gần nhất với Việt Nam là Singapore - cùng khu vực ASEAN… Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam, chúng ta có thể tập trung ưu tiên vào công nghiệp bán dẫn.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh, Đà Nẵng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh, Đà Nẵng

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Thế giới đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành như công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD), mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Với bối cảnh toàn cầu như trên, Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm CNBD, điện tử toàn cầu nhờ những yếu tố quan trọng. Đảng và Nhà nước ta cũng đang có những chỉ đạo rất sát sao về vấn đề này. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 về Chiến lược phát triển CNBD Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (Chiến lược). Mới đây nhất, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trước đó, Chính phủ cũng đã trình dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 hồi tháng 11/2024.

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm (Ảnh minh họa)

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm (Ảnh minh họa)

Những chỉ đạo này đã được triển khai thành những hành động thực tế, đem lại vị thế cho Việt Nam trong ngành CNBD. Điển hình, Apple - hãng công nghệ lớn của Mỹ đã chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất quan trọng với khoản đầu tư hơn 15 tỷ USD. NVIDIA - một trong những “đại bàng” công nghệ toàn cầu cũng hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam…

Tuy nhiên, để hiện thực “giấc mơ” trở thành một trong các trung tâm CNBD, điện tử toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều việc phải làm, phải hoàn thiện.

Phát triển công nghệ bán dẫn, cần chính sách cụ thể

Thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. ĐB cũng đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác hoàn thiện thể chế, quan tâm chỉ đạo quyết liệt để giải quyết những “điểm nghẽn”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Đại biểu Đào Chí Nghĩa. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Duy Minh đề xuất Chính phủ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên chính sách, tạo môi trường để phát triển DN khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. ĐB phân tích, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau và rất phân tán, dẫn đến sự thiếu thống nhất và chưa giải quyết được các vấn đề, chưa có chính sách ưu đãi về thuế cho các DN khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại một số địa phương vẫn còn chậm. Sử dụng tài sản công hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, quy trình, thủ tục thanh toán của các sản phẩm ý tưởng, mô hình được nhận hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước còn khó khăn. ĐB Minh đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số luật như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng tình, ĐB Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm có chính sách cụ thể để phát triển ngành CNBD. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia hiện nay đang theo đuổi, sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành CNBD, ĐB Nghĩa gợi ý có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa; quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội để nguồn lực phục vụ cho CNBD bảo đảm chất lượng. ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách đột phá trong việc đãi ngộ, trọng dụng để dẫn dắt nền khoa học công nghệ nước nhà, nhất là lĩnh vực CNBD.

Doãn Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-trien-doanh-nghiep-dan-toc-tai-viet-nam-co-the-uu-tien-linh-vuc-cong-nghiep-ban-dan-post537152.html