Hải Phòng: Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Ngày 20/3, UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị 'Thành phố Hải Phòng đối thoại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024' với chủ đề 'Hợp tác – Phát triển – Hiệu quả'.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh
Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 250 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó có hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mục tiêu hội nghị hướng tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đưa ra các giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường khẳng định: Hải Phòng luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ USD (tăng 7,7% so với cùng kỳ); tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30 tỷ USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 170 triệu tấn, tăng 1,19%. Với kết quả trên, Hải Phòng đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 6,62% so với cùng kỳ.
Phó chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường phân tích, hoạt động xuất nhập khẩu đã tác động lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Hải Phòng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 3,6 tỷ USD, gấp 1,74 lần so với cùng kỳ.
Năm 2024, Hải Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thành phố. Hải Phòng xác định việc cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Gỡ “vướng” cho doanh nghiệp
Nhằm ghi nhận các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã tiến hành khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin bằng hình thức trực tuyến. Qua khảo sát, các kiến nghị chung của cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào các 8 nhóm vấn đề chính, gồm: Vướng mắc đối với chính sách quản lý chuyên ngành; quy định pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Đề xuất xem xét miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển của thành phố và phối hợp giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả thu phí; Kiến nghị phản ánh về tình trạng các cước vận tải biển tăng cao, các loại phí, phụ phí liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng quy định cao bất hợp lý; thực trạng ùn tắc tại các bãi cấp/trả vỏ container rỗng; Kiến nghị, đề xuất liên quan việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống cảng biển nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn; Kiến nghị về xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ tại các Khu công nghiệp (KCN)…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng) bày tỏ mong muốn TP Hải Phòng xây dựng các điểm dừng, đỗ xe buýt nằm trong KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của các công nhân. Công ty cũng mong muốn trong thời gian tới TP Hải Phòng có thể mở rộng các chuyến bay thẳng quốc tế đến các nước trong khu vực và thế giới ở sân bay Quốc tế Cát Bi nhằm thúc đẩy sự phát triển của phương thức vận tải hành khách và hàng hóa qua đường hàng không.
Đại diện công ty TNHH Dầu Nhờn Idemitsu Việt Nam (KCN Đình Vũ, Hải Phòng) phát biểu: “Hiện nay, cảng hàng lỏng của Đình Vũ đã bị quá tải và thường xuyên gặp tình trạng tắc nghẽn. Các tàu dầu nhập về thường phải chờ 3-5 ngày mới có thể cập cảng để bơm dầu. Phí phải chi trả cho hãng tàu do chậm làm hàng vào cỡ 10,000 USD một ngày gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khu vực này cảng khá nông, thường xuyên phải nạo vét mới đảm bảo cho các tàu có thể cập cảng. Các doanh nghiệp như chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm tàu chở nguyên vật liệu vì rất nhiều hãng tàu từ chối giao hàng tại cảng hàng lỏng của Đình Vũ do luồng lạch không đủ độ sâu đảm bảo. Do đó, chúng tôi đề nghị TP Hải Phòng quan tâm đến vấn đề quy hoạch và phát triển hạ tầng cảng chuyên dùng cho mặt hàng đặc thù xăng dầu nhập khẩu của doanh nghiệp”.
Ông Trương Gia Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Nhôm Đông Á (Cụm công nghiệp Tân Dân, tỉnh Hải Dương) bày tỏ mong muốn được khai báo hải quan một lần cho nhiều lô hàng: “Công ty TNHH Nhôm Đông Á là doanh nghiệp chế xuất thường xuyên nhập nguyên liệu cung ứng từ nội địa. Mỗi lần nhập tự cung ứng như vậy, doanh nghiệp phải làm thủ tục mở khai hải quan. Việc đó diễn ra hàng ngày nên số lượng tờ khai phải khai báo rất nhiều. Chúng tôi đề nghị cơ quan hải quan cho phép thực hiện thủ tục theo tháng, quý nhằm giảm nhân lực và thời gian”.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, ông Liu Hui Min, đại diện công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam bày tỏ: Doanh nghiệp mong TP Hải Phòng chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các Cơ sở dữ liệu lớn sao cho kết nối liên thông các cơ quan liên quan để tăng nhanh tiến độ xử lý thủ tục hành chính, sử dụng dữ liệu dùng chung một cửa, để các sở ban ngành xử lý, cấp phép liên thông với nhau. Doanh nghiệp cũng đề nghị TP Hải Phòng xây dựng công cụ cổng thông tin để doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm, dịch vụ tạo thuận lợi cho việc kết nối khách hàng, kết nối các nhà cung ứng.
Với quan điểm thẳng thắn, cởi mở, cầu thị, các Sở, ban, ngành đã giải đáp đối với các ý kiến phản ánh vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các Sở, ngành gồm: Cục Hải quan TP Hải Phòng; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I; Chi Cục Thú Y Vùng II; Sở Công thương; VCCI Hải Phòng; Sở Giao thông vận tải; Sở Thông tin truyền thông; Sở Xây dựng nghiên cứu và trả lời từng kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp trước, trong và sau hội nghị.
Nhân dịp này, UBND TP Hải Phòng đã trao bằng khen tặng 48 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao, có đóng góp lớn về số nộp ngân sách Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023.