Hải Phòng: Hiện thực hóa quy hoạch, tạo không gian phát triển mới cho bất động sản

Xây dựng đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng sản phẩm nhà ở tại Hải Phòng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội thảo “Hiện thực hóa quy hoạch TP.Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, để cụ thể hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 30/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng, đây không chỉ là cơ sở pháp lý cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển thành phố mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển Hải Phòng. Từ đó tạo động lực, cơ hội cho thành phố khơi dậy, giải phóng tiềm năng và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản.

XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI ĐÔ THỊ VỆ TINH

Thứ trưởng đánh giá, thành phố đã kế thừa và phát triển mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: Trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc và phụ cận) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở Hải An và Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Cùng đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Chính việc quy hoạch đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở sinh thái và nhà ở xã hội. Hơn nữa, giá đất thấp tại các khu vực đô thị vệ tinh là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường nhà ở xã hội, điều mà những khu vực nội đô không đáp ứng được. Các đô thị vệ tinh được quy hoạch mới và đầu tư đồng bộ với khu vực trung tâm chắc chắn là tạo ra lợi thế lớn để thu hút cư dân đến sinh sống, làm việc.

Mặt khác, cùng với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, Quy hoạch chung thành phố cũng xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các cụm công nghiệp có quy mô trên 400ha. Đây như đòn bẩy giúp phát triển thị trường bất động sản của thành phố. Đặc biệt, theo Quy hoạch chung TP.Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng còn có thêm TP.Thủy Nguyên. Với các đô thị cảng biển, đô thị sân bay tương lai, sẽ giúp thành phố đón nhận nhiều dự án quy mô lớn, hứa hẹn kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ về Hải Phòng.

“Hải Phòng đang khẳng định nỗ lực của mình trong việc tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Cùng những điều kiện thuận lợi khác, thị trường bất động sản Hải Phòng chắc chắn bứt phá, sôi động, lành mạnh ở tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã mở đường cho Hải Phòng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, quy hoạch. Thêm vào đó, việc những năm gần đây đang diễn ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng với sự hành trình về phương Nam, thì Việt Nam, các tỉnh khu vực phía Bắc, nhất là Hải Phòng đang có lợi thế rất lớn để thu hút những tập đoàn xuyên quốc gia. Do đó, bất động sản xây dựng, du lịch… sẽ tiếp tục phát triển.

CẦN ĐỔI MỚI CÁCH QUẢN LÝ VÀ TIẾP CẬN QUY HOẠCH

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Hải Phòng đổi mới cách quản lý và tiếp cận quy hoạch đô thị bằng công nghệ số, đảm bảo các thông tin đồng bộ, chính xác, thuận lợi; quản lý quy hoạch theo mục tiêu phát triển bền vững, với chiến lược dài hạn.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện công cụ pháp lý, đó là các quy hoạch cấp dưới sau quy hoạch chung, với tinh thần: quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Tất nhiên cần đảm bảo khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương; tháo gỡ hạn chế, khó khăn, tạo động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Tập trung nguồn lực nhằm cụ thể hóa các quy hoạch, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đô thị, công nghiệp và hạ tầng du lịch.

Ngoài ra, thành phố cần chủ động đề xuất chính sách thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp định hướng quy hoạch của thành phố và của quốc gia; thận trọng, chặt chẽ, đúng chỉ tiêu phân bố Quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Mặt khác, nghiên cứu thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, nghiên cứu giải pháp thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách; đổi mới cơ chế để khai thông điểm nghẽn, giúp sớm hiện thực hóa quy hoạch.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Thành phố cần có kế hoạch thực thi đầu tư theo quy hoạch, theo từng giai đoạn. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, thủ tục đầu tư cho dự án để hỗ trợ doanh nghiệp; có chính sách quản lý hoạt động và đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản.

“Thành phố phải minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố; phải kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tạo bong bóng bất động sản để thị trường phát triển bền vững”, ông Đính lưu ý.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hai-phong-hien-thuc-hoa-quy-hoach-tao-khong-gian-phat-trien-moi-cho-bat-dong-san.htm