Hải Phòng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Giai đoạn 2024 - 2030, Hải Phòng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi những doanh nghiệp này tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Ngày 8/6, UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố đã có quyết định hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị bao gồm 5 lĩnh vực theo quy định tại Nghị định 80/2021 hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, việc hỗ trợ thực hiện cho 5 nhóm gồm hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ kỹ thuật sản xuất chuyên sâu; hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ thông tin và phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.
Cụ thể, hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 2 khoản. Đó là hỗ trợ tối đa 50% chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại doanh nghiệp (nhưng không quá 50 triệu đồng 1 khóa đối với 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đào tạo cho học viên của doanh nghiệp khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển của ngành, chuỗi giá trị (nhưng không quá 10 triệu đồng cho 1 học viên mỗi năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm).
Hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh cũng gồm 2 khoản. Trong đó, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (không quá 30 triệu đồng cho 1 hợp đồng mỗi năm của 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi (không quá 100 triệu đồng cho 1 hợp đồng mỗi năm cho 1 doanh nghiệp).
Hỗ trợ phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường gồm 5 khoản. Trong đó, hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (không quá 100 triệu đồng cho 1 hợp đồng mỗi năm cho 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ tối đa 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế (không quá 50 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp và không quá 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử quốc tế). Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại (không quá 50 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức trong nước và không quá 70 triệu đồng 1 năm cho doanh nghiệp đối với sự kiện tổ chức ở nước ngoài). Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước (không quá 50 triệu đồng cho 1 hợp đồng 1 năm của 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị (không quá 20 triệu đồng cho 1 hợp đồng trong 1 năm cho 1 doanh nghiệp).
Hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng gồm 3 khoản. Cụ thể, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (không quá 10 triệu đồng cho 1 hợp đồng trong 1 năm cho 1 doanh nghiệp), hợp đồng tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (không quá 50 triệu đồng cho 1 hợp đồng trong 1 năm cho 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo, chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường (không quá 10 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ 100% chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (không quá 20 triệu đồng cho 1 sản phẩm 1 năm của 1doanh nghiệp).
Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng bao gồm 3 khoản. Đó là hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (không quá 30 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ (không quá 30 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp). Hỗ trợ tối đa 50% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không quá 50 triệu đồng 1 năm cho 1 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đối số với 4 gói hỗ trợ. Đó hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hỗ trợ thực hiện thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong kinh doanh và chuyển đổi mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Và hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
UBND TP. Hải Phòng giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thực hiện việc hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, các sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Nguồn kinh phí hỗ trợ là nguồn chi ngân sách hằng năm của TP. Hải Phòng và nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho chương trình.