Hải Phòng khai trương dự án chính quyền số
Ngày 21/11, TP Hải Phòng triển khai dự án thực hiện xây dựng chính quyền số. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm mà TP đặc biệt quan tâm và thường xuyên tích cực chỉ đạo.
Hải Phòng là TP ven biển, nằm ở vùng đông bắc đồng bằng sông Hồng, hội tụ đủ các loại hình giao thông, là đầu mối quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh, TP miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP tiếp tục ổn định và phát triển, có 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND giao. Tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng năm 2024 ước đạt 11%, là năm thứ 10 liên tiếp có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 109.387,6 tỷ đồng, bằng 102,5% so với kế hoạch năm; thu nội địa ước đạt trên 48.255 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 ước đạt 3,5 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt trên 190 triệu tấn. Số lượng khách du lịch ước đạt 9,15 triệu lượt. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD… Môi trường đầu tư, kinh doanh của TP tiếp tục được cải thiện.
TP tiếp tục được xếp hạng trong top đứng đầu các tỉnh TP trên nhiều phương diện: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 3; chỉ số cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 2; chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 5; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 3. Tiếp tục được vinh danh địa phương top công nghiệp 4.0; chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2023 Hải Phòng phấn đấu vào top 10 tỉnh, TP.
Sau gần 3 năm thực hiện chương trình hành động, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn TP Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: hạ tầng số được cải thiện mạnh mẽ, xóa vùng lõm sóng, nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông, tiên phong trong thử nghiệm và triển khai thương mại mạng 5G tại trung tâm TP và các cảng biển, khu công nghiệp; hiện đã có 99 trạm phát sóng 5G đi vào hoạt động và dự kiến hết 2024 là 159 trạm; triển khai trung tâm dữ liệu trên địa bàn.
Năm 2023-2024, TP quan tâm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện xác thực thông tin người dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tích hợp 1.579/1.937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia, đạt tỷ lệ 81.51%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%.
Kinh tế số có bước phát triển mạnh như số lượng doanh nghiệp (DN) triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng DN nộp thuế điện tử đạt 99%; triển khai hải quan điện tử với hơn 99,65% DN tham gia, thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1-3 giây. 100% các cảng biển trên địa bàn triển khai hệ thống quản lý cảng thông minh… Theo công bố của Tổng cục Thống kê tháng 12/2023, kinh tế số Hải Phòng chiếm 29,7 % GRDP, đứng thứ 4 trên 63 tỉnh TP.
Đối với Dự án “thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số của Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”: UBND TP đã giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số TP Hải Phòng minh bạch, hiệu quả và tiện ích. Dự án được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng, được đưa vào danh sách 1 trong những nhiệm vụ nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm cần thực hiện đến hết nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ TP.
Việc khai trương, công bố các nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng và dịch vụ số thuộc dự án sẽ giúp đưa dự án vào hoạt động chính thức, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền, cung cấp dữ liệu, dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Việc công bố kho dữ liệu dùng chung của TP, các nền tảng số, ứng dụng và dịch vụ số thuộc Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để chính thức vận hành các hạ tầng dùng chung phục vụ chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm quán triệt, triển khai đến các bộ, công chức viên chức trong cơ quan, đơn vị, phối hợp thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin dùng chung đã đầu tư từ dự án. Từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ mới trên môi trường số cho người dân, DN…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-khai-truong-du-an-chinh-quyen-so.html