Hải Phòng 'khát' nơi gửi trẻ dành cho con của công nhân, người lao động
Các trường công lập, nhóm trẻ trong các khu công nghiệp ở Hải Phòng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động trên địa bàn.
Công nhân, người lao động “chật vật” tìm nơi gửi trẻ uy tín
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhu cầu gửi trẻ của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn là vấn đề cấp thiết và vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chị Lê Thị Sênh (sinh năm 1982, đang trú tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng) đang làm việc tại công ty TNHH Tohoku Pioneer Việt Nam cho biết: “Đại đa số công nhân từ nơi khác chuyển đến Hải Phòng làm việc, chỉ có tạm trú chứ không có thường trú ở địa phương nên việc xin cho con đi học là một vấn đề rất nan giải.
Như gia đình tôi có 3 con trong đó một bạn học cấp 2, một bạn học mẫu giáo lớp 5 tuổi và một bé 1 tuổi. Thời điểm tôi đi xin cho con thứ hai đi học tại trường mầm non công lập thì nhà trường đã tuyển sinh đủ theo danh sách trẻ có hộ khẩu ở xã, nhu cầu quá tải nên không thể nhận được nữa.
Để có thể trở lại làm việc tôi chọn cho con học ở trường mầm non tư thục. Mỗi tháng tiền học và ăn của con là 1.400.000 đồng chưa kể đầu năm sẽ mất thêm 3.000.000 các khoản cơ sở vật chất, hoạt động học tập.
Khi có thêm con thứ ba, tôi rất lo lắng khi con đến tuổi ra lớp thì liệu có suất gửi con ở trường mầm non công lập hay không, kinh tế gia đình có đủ để tiếp tục cho con học tư thục hay không?
Trên địa bàn xã Tân Tiến nơi tôi sinh sống hiện có hai trường tư thục, nhiều đồng nghiệp của tôi cũng chọn gửi con ở trường mầm non tư vì trường công lập năm nào cũng quá tải.
Một số gia đình không có điều kiện gửi con ở trường mầm non tư thì sẽ tìm đến một số nhóm trẻ nhỏ, lẻ tự phát khoảng 10 trẻ/nhóm.
Theo tôi được biết có khoảng 5 nhóm trẻ nhỏ đang hoạt động ở trên địa bàn. Mặc dù vấn đề môi trường sinh hoạt, chất lượng chăm nuôi chưa thực sự khiến phụ huynh yên tâm, đặc biệt gần đây có nhiều vụ bạo lực trẻ em xảy ra ở nhóm trẻ nhưng do hoàn cảnh bắt buộc nên không có lựa chọn khác”.
Chị Sênh bày tỏ mong muốn thành phố, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho con của công nhân được học trong môi trường mầm non đảm bảo: “Tôi rất mong dù là trẻ có thường trú hay những công nhân đang tạm trú tại địa phương như chúng tôi sẽ có cơ hội tuyển sinh như nhau.
Có như vậy công nhân sẽ bớt nỗi lo không có nơi gửi con uy tín, yên tâm công tác và gắn bó với địa phương dài lâu.
Việc gửi con ở trường mầm non tư thì chi phí cao còn gửi ở nhóm trẻ lại chưa thực sự yên tâm nên điều mà chúng tôi mong muốn nhất là trẻ được chăm nuôi trong môi trường đảm bảo.
Nếu có thể, doanh nghiệp hay các tổ chức xã hội hãy tạo điều kiện thành lập các nhóm trẻ mầm non ngay trong khu công nghiệp.
Dù mất chi phí nhưng công nhân chúng tôi sẽ có địa chỉ uy tín để yên tâm gửi con, không phải lo lắng chen nhau đi tuyển sinh ở các trường mầm non công lập”.
Trường mầm non công lập quá tải
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có 3 công ty trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã bố trí và duy trình mô hình nhà trẻ cho con công nhân, lao động ngay trong khuôn viên nhà máy như công ty TNHH Đỉnh Vàng, công ty TNHH May Thiên Nam (cùng ở quận Dương Kinh); công ty TNHH Sao Mai (huyện Vĩnh Bảo).
Mặc dù mô hình này đã được triển khai nhiều năm nay nhưng do quy mô nhóm trẻ có hạn chế số lượng nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi con của công nhân.
Còn về việc các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện có đáp ứng được nhu cầu của công nhân, người lao động hay không, phóng viên đã có ghi nhận tại huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), đây một trong những huyện có nhiều xí nghiệp, nhà máy cùng hàng trăm cơ sở sản xuất – kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động, nổi bật trong đó có khu công nghiệp VSIP.
Cùng với việc thu hút hàng trăm nghìn công nhân, người lao động, nhu cầu gửi con của công nhân đang sinh sống tại huyện Thủy Nguyên đang có xu hướng ngày càng tăng cao.
Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, tính đến tháng 3/2023, số trẻ mầm non là con công nhân học tại các cơ sở giáo dục mầm non là 14.258/22.406 (đạt 63,6% trên tổng số trẻ mầm non).
Trong đó, trẻ học học tại trường mầm non công lập là 13.263/20.264 trẻ, còn trường mầm non ngoài công lập là 995/2.142 trẻ. Theo đó, giáo dục công lập đáp ứng được trên 90% nhu cầu gửi con của công nhân.
Hiện, các trường mầm non công lập gần khu công nghiệp trên địa bàn huyện còn xảy ra tình trạng quá tải sĩ số trẻ/lớp do dân số cơ học cao, cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ.
Trao đổi với phóng viên, cô Lê Thị Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Động (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, những năm gần đây số lượng trẻ là con của công nhân có xu hướng tăng. Có năm học tăng gần 100 trẻ là con của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn huyện.
Cụ thể, năm học 2022 – 2023, nhà trường có tổng số 606 trẻ trong đó có 296 trẻ là con của công nhân. Phụ huynh là người từ địa phương khác chuyển đến chiếm hơn 50%.
Còn tại Trường Mầm non Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), năm học 2022 – 2023, nhà trường có tới 314 trẻ là con của công nhân trên tổng số 531 trẻ.
“Do nhà trường nằm ở gần Công ty TNHH Công nghiệp Giày Aurora Việt Nam nên nhu cầu gửi con của công nhân rất cao.
Hơn một nửa số trẻ đang theo học tại trường đều là con của công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn xã.
Thực tế, nhà trường vẫn chưa đáp ứng được 100% nhu cầu của công nhân do công tác tuyển sinh phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Như đối với các lớp nhà trẻ, sau khi kết thúc tuyển sinh đầu năm, nhiều phụ huynh mới chuyển từ nơi khác đến địa phương hoặc khi con đủ 24 tháng vẫn đến trường để xin cho con đi học nhưng các lớp đều đã quá tải nên không thể nhận được” cô Trần Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiên Hương chia sẻ.