Hải Phòng: Mở rộng nội đô qua bên kia sông Cấm

Việc huyện Thủy Nguyên sẽ lên thành phố với tính chất là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính thể hiện rõ vị thế và xu thế phát triển của thành phố Hải Phòng. Trong tương lai, Hải Phòng sẽ không chỉ là 'đô thị đặc biệt' mà còn định hướng lọt vào nhóm thành phố hàng đầu châu Á.

Bắc cầu sang thành phố mới

Cách đây 6 năm, khi ý tưởng trên được manh nha, không nhiều người, dù là lạc quan nhất, tin rằng thành phố Hải Phòng có thể làm được điều đó.

Nhìn từ Thủ Đức, trước khi trở thành thành phố trực thuộc TP. HCM, nơi đây đã là một vùng kinh tế có mức phát triển, tỷ lệ đô thị hóa rất cao. Còn Thủy Nguyên thì rất khác, là một huyện có 37 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó chỉ có 2 thị trấn, tỷ lệ đô thị hóa chỉ khoảng 10%. Thủy Nguyên thiếu khá nhiều tiêu chí để trở thành một đô thị. Do vậy, ý tưởng về việc thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của huyện Thủy Nguyên quả là dễ khiến người ta ái ngại.

Thế nhưng, sau chỉ 6 năm phát triển, Thủy Nguyên giờ đây đã hội đủ các tiêu chí, yếu tố để vươn mình. Đầu tiên phải kể đến là việc Hải Phòng quyết định “dời đô”, di chuyển và xây mới toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng chính trị và hành chính của thành phố sang “phố mới” Thủy Nguyên.

Và Hải Phòng làm rất nhanh. Rút kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác trên cả nước, Hải Phòng ưu tiên bố trí vốn làm trước hạ tầng giao thông, xây cầu, làm đường to và đẹp. Tiếp đến, các khu đô thị vệ tinh được khuyến khích đầu tư, kéo dân về ở với tốc độ rất nhanh và rất thành công. Hải Phòng cũng xây nhiều công viên cảnh quan mới với thiết kế ấn tượng, tạo điểm nhấn thu hút người dân, du khách, tạo sức sống cho khu đô thị hành chính mới.

Trong khi nhiều địa phương gặp khó trong việc kéo dân về ở, thì Hải Phòng đã làm điều đó với những “thành công rực rỡ”. Đặc biệt, gần đây, cùng với việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng rót gần 90 nghìn tỷ đồng xây dựng cả một “hòn đảo tỷ phú” ở Thủy Nguyên, kèm theo đó là dãy phố đi bộ lớn nhất cả nước, trình diễn pháo hoa tầm cao hàng tuần, đã thực sự khiến Thủy Nguyên trở nên đông đúc, nhộn nhịp và sôi động một cách bất ngờ, thổi luồng sức sống mới mạnh mẽ cho một vùng đô thị mới, sẵn sàng cho cuộc “dời đô” lịch sử của thành phố.

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ công trường xây dựng hạ tầng kỹ thuật và trung tâm chính trị - hành chính mới đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho thời điểm ngày 1/1/2025 khi thành phố Thủy Nguyên chính thức được khai sinh. Càng ý nghĩa hơn khi vào năm 2025, Hải Phòng sẽ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng hoàn toàn thành phố.

Trước đó, vào ngày 6/5/2023, thành phố Hải Phòng khởi công các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án khu đô thị mới (KĐT) Bắc sông Cấm. Theo quy hoạch, dự án có diện tích khoảng 1.445,51ha, bao gồm một phần diện tích của các xã Hoa Động, Tân, Dương, Dương Quan (Thủy Nguyên). Tổng số tiền thực hiện dự án gần 10.000 tỷ đồng.

Để phục vụ dự án này, thành phố Hải Phòng đã phải di chuyển 15 cơ quan, đơn vị và 1.350 hộ gia đình, thu hồi 105 ha đất nông nghiệp của 1.448 hộ dân. Dự án bao gồm các hạng mục: cầu Hoàng Văn Thụ với chiều dài 1.138m, đê tả sông Cấm với chiều dài 2.016m, hệ thống giao thông chính 9.958m; các phân khu chức năng bao gồm khu hành chính - chính trị thành phố, khu đa chức năng, khu thương mại và cảnh quan mặt nước,…

Sau 2 năm xây dựng, tháng 10/2019, cầu Hoàng Văn Thụ khánh thành, được ví như “cánh chim biển” nối liền nội thành với KĐT Bắc sông Cấm. Đây là công trình trọng điểm, khởi đầu cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT mới Bắc sông Cấm, mở rộng thành phố về phía bắc, từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực tế, từ khi cầu Hoàng Văn Thụ khánh thành, lưu lượng giao thông đã được giảm tải cho cầu Bính và cầu Kiền. Công trình còn giữ vai trò quan trong trong việc tạo điều kiện mở rộng sự phát triển đô thị TP. Hải Phòng về phía bắc theo định hướng phát triển không gian đô thị. Đặc biệt, đây là công trình khởi đầu cho việc xây dựng để di chuyển trung tâm hành chính - chính trị thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn tạo nền tảng cho sự phát triển Hải Phòng trong tương lai

Cùng với cầu Hoàng Văn Thụ (2.300 tỷ đồng) cầu Nguyễn Trãi (gần 6.000 tỷ đồng) được coi là biểu tượng mới của TP. Thủy Nguyên. Theo mục tiêu đề ra, cầu Nguyễn Trãi sẽ “mang sứ mệnh” kết nối nội thành hiện hữu với KĐT Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp Visip, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ…; rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa tới cảng hàng không quốc tế Cát Bi và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 10; quốc lộ 18…

Hải Phòng còn có cầu Hoàng Gia kết nối giao thông nội đô với đảo Hoàng Gia – Vinhome Royal Island với tổng chiều dài toàn tuyến gần 2,2km, cầu chính rộng 21m với 4 làn xe chạy, cầu dẫn 2 bên rộng 17,5m. Điểm đầu nằm trên đảo Vũ Yên, giao với trục chính dự án Vinhomes Royal Island, kết nối thẳng đến phố đi bộ công viên Vũ Yên. Điểm cuối của công trình giao với đường Lê Thánh Tông tại vị trí cầu Cầu Tre, thuộc địa phận phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công cây cầu vẫn đảm bảo theo kế hoạch, đạt 55% khối lượng, hạng mục cầu chính dây văng và cầu dẫn trên đảo Vũ Yên đã hoàn thành phần hạ bộ. Riêng phần cầu dẫn vòng xuyến trên đảo Vũ Yên đã vượt tiến độ, hiện đạt 80% khối lượng. Hiện nay, nhà thầu đang thi công đồng loạt, đảm bảo mục tiêu hoàn thành cầu vào tháng 8/2025.

Không chỉ đơn thuần thay đổi tên gọi

10 năm qua, Thủy Nguyên liên tục đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,6%/năm; quy mô tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt gần 41 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2013. Trước đây, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch nhanh và lên tới 93,2%; nông-lâm-thủy sản chỉ còn chiếm gần 7%.

Theo quy hoạch, huyện Thủy Nguyên sẽ trở thành thành phố vào năm 2025, không chỉ là trung tâm hành chính - chính trị mới mà còn bảo đảm đủ các điều kiện, nội lực để gánh vác những trọng trách của một đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm kinh tế đa ngành. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hải Phòng đã đầu tư 142.000 tỷ đồng để huyện Thủy Nguyên thực hiện tiến độ lên thành phố trước năm 2025.

Hiện tại, huyện Thủy Nguyên có diên tích lớn nhất TP. Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn, gần 334.000 người; có 2 khu công nghiệp (Visip và Nam Cầu Kiền), tạo ra giá trị xuất khẩu lên đến 20 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động.

TP. Thủy Nguyên được xây dựng trên cơ sở toàn bộ 261,91km2 diện tích tự nhiên và 7,19km2 diện tích khu vực đảo Vũ Yên, định hướng là đô thị loại 3, hướng tới đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn liền với trung tâm hành chính - chính trị mới của TP. Hải Phòng. Đến năm 2035, TP. Thủy Nguyên sẽ có khoảng 600.000 người và 725.000 người vào năm 2045.

Cùng với sự phát triển theo hướng đồng bộ về hạ tầng giao thông, huyện Thủy Nguyên đã và đang đón nhận làn sóng đầu tư từ hàng loạt dự án bất động sản lớn, như: dự án KĐT Visip 1.100ha, KĐT mới Bắc sông Cấm, Hoàng Huy City, Hoàng Huy Green River, KĐT Quang Minh Green City có quy mô quốc tế đầu tiên diện tích 300ha…với các tiêu chí văn minh, hiện đại bậc nhất hiện nay.

Đặc biệt, TP. Thủy Nguyên sẽ sở hữu khu du lịch sinh thái đảo Vũ Yên với những tiện ích đẳng cấp quốc tế về vui chơi, mua sắm, giải trí, hệ thống khách sạn và biệt thự 5 sao; nhà hàng sang trọng; casino; thủy cung đa dạng sinh vật biển; bể bơi trong nhà và ngoài trời; công viên nước; bến du thuyền tiêu chuẩn châu Âu; sân golf 72 lỗ; khu vực bảo tồn động thực vật hoang dã,…

Như vậy, không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà người dân miền biển đang nóng lòng đón chờ một đô thị đúng với vai trò là trung tâm hành chính - chính trị mới, trung tâm kinh tế đa ngành của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, sẽ là một Thủy Nguyên hiện hữu, có đủ điều kiện gánh vác trọng trách của một thành phố trong lòng thành phố.

Kim Nguyễn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hai-phong-mo-rong-noi-do-qua-ben-kia-song-cam-d112495.html